Thứ Ba | 17/06/2014 06:44

Mỹ cân nhắc phương án không kích ở Iraq

Mỹ đang cân nhắc tiến hành các cuộc không kích và có thể hợp tác với Iran nhằm hỗ trợ Chính phủ Iraq đẩy lùi phiến quân Hồi giáo.
Trả lời phỏng vấn Yahoo! News khi được hỏi về khả năng tiến hành không kích, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh các cuộc không kích có thể chưa phải là "câu trả lời đầy đủ" song "nó có thể là một trong những phương án quan trọng nhằm ngăn chặn việc người dân bị khủng bố". Ông cho biết Tổng thống Barack Obama đang "xem xét triệt để mọi phương án có thể", bao gồm các cuộc không kích bằng máy bay không người lái.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Washington "để ngỏ khả năng thảo luận" với Iran để giúp chính phủ Iraq. Quan chức này khẳng định "sẽ không loại trừ bất cứ điều gì mang tính xây dựng". Tuyên bố trên được ngoại trưởng Kerry đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran có thể "suy nghĩ" về khả năng hợp tác với Washington trong việc trợ giúp chính phủ Iraq đẩy lùi phiến quân Hồi giáo.

Một quan chức Mỹ hé lộ cuộc gặp giữa Mỹ và Iran có thể diễn ra trong tuần này bên lề vòng đàm phán thứ 5 tại Vienna (Áo) giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong một diễn biến khác, CNN đưa tin tàu USS Mesa Verde chở 550 lính thủy đánh bộ của Mỹ đã đi vào vùng Vịnh để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp Washington quyết định dùng phương án quân sự giúp chính phủ Iraq. Trước đó, ngày 14-6, Mỹ cũng đã điều tàu sân bay USS George H.W. Bush tiến vào vùng Vịnh.

Cùng ngày 16-6, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước này đã tổ chức đàm phán với Iran về cách thức khu vực Trung Đông nên hỗ trợ Iraq sau khi phiến quân Hồi giáo dòng Sunni chiếm giữ một số thị trấn ở miền Bắc Iraq.

Theo người phát ngôn trên, ngoại trưởng Anh William Hague hồi cuối tuần cũng đã thảo luận với người đồng cấp Iran về tình hình tại Iraq và một loạt vấn đề khác. London nêu rõ nước này không tìm kiếm sự can thiệp quân sự vào Iraq song đề nghị cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cố vấn chống khủng bố cho chính quyền Iraq nếu cần.

Trong khi đó, Saudi Arabia tuyên bố phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Iraq. Trong một tuyên bố của nội các phát trên hãng thông tấn SPA, Riyadh cho rằng cuộc khủng hoảng bùng phát ở Iraq là hậu quả của nhiều năm thực thi các chính sách "bè phái và loại trừ". Saudi Arabia hối thúc Iraq "nhanh chóng thành lập một chính phủ đồng thuận dân tộc".

Nguồn Vietnam+


Sự kiện