Thứ Ba | 10/09/2013 12:08

Mỹ bỏ ngỏ khả năng thương lượng với Nga về Syria

Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt hối thúc Quốc hội thông qua nghị quyết trừng phạt Syria mặt khác bỏ ngỏ khả năng thương lượng với Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt vẫn hối thúc Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép trừng phạt Syria vì "đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường", mặt khác tuyên bố bỏ ngỏ khả năng thương lượng về đề nghị của Nga.

Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình "Fox News", ông Obama bày tỏ hoan nghênh đề xuất của Nga, đồng thời cho biết Mỹ muốn sớm kiểm nghiệm về tính nghiêm túc của đề xuất trên và sẵn sàng khai thác mọi kênh ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn hai năm tại Syria.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama tuyên bố trong lúc sẵn sàng theo đuổi các con đường ngoại giao, Mỹ vẫn không từ bỏ quyết định đã đưa ra ngày 31/8 theo đó sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự có giới hạn nhằm cảnh báo cái mà ông mô tả là "vụ Chính phủ Syria sử dụng chất độc sarin ngày 21/8 làm hơn 1.400 người bị thiệt mạng, trong đó có hơn 400 trẻ em."

Cuộc trả lời phỏng vấn trên chương trình "Fox News" là một trong 6 cuộc trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền hình lớn trong ngày 9/9 của Tổng thống Obama nhằm thuyết phục các nghị sỹ Quốc hội và người dân Mỹ ủng hộ chủ trương của Nhà Trắng phát động cuộc không kích vào Syria.

Tổng thống Obama cho biết ông "chắc chắn" về việc Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ kế hoạch của Nhà Trắng.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi thiết lập các vùng an toàn được Liên hợp quốc giám sát tại Syria làm nơi tiêu hủy số vũ khí hóa học của nước này.

Trả lời báo giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết ông có thể đưa đề xuất trên lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu các thanh sát viên Liên hợp quốc xác nhận việc sử dụng các loại vũ khí bị cấm tại Syria.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng hoan nghênh sáng kiến của Nga về việc đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của quốc tế, cho rằng Syria cần chấp thuận đề xuất này và cộng đồng quốc tế sẽ có "hành động rất nhanh chóng" nhằm đảm bảo kho vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 9/9 cho rằng đề xuất của Nga là có thể chấp nhận được với các điều kiện Tổng thống Syria al-Assad cần nhanh chóng giao cho quốc tế kiểm soát và tiến hành tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của nước này, đồng thời hoạt động đó cần được thực hiện sau một dự thảo nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merken nhận định đề xuất của Nga là "đáng chú ý", đồng thời kỳ vọng sáng kiến này cần nhanh chóng được hiện thực hóa và không phải là cách để kéo dài thời gian. Bà Merken cũng khẳng định nếu đề xuất nói trên được cụ thể hóa, Đức sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình.

Ngày 10/9, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến Syria, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nỗ lực hơn nữa nhằm tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Trong một tuyên bố, CELAC kêu gọi "chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho các bên tại Syria nhằm ngăn chặn tình trạng thương vong với dân thường và thiết lập các điều kiện cần thiết hướng tới giải pháp chính trị."

Theo CELAC, các nước thành viên của khối luôn tuân thủ mọi cam kết của Hiệp ước quốc tế về vũ khí hóa học.

Nguồn TTXVN


Sự kiện