Đàm Hoa Thứ Ba | 11/09/2018 08:00

Mỹ - Trung đối đầu ở lục địa đen

Châu Phi đang là chiến trường nóng bỏng trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Châu Phi đang là chiến trường nóng bỏng trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Một công ty Trung Quốc đang thống trị thị trường drone toàn cầu

Trung Quốc giảm nợ để xoa dịu châu Phi


Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang phủ khắp các phương tiện truyền thông toàn cầu trong vài tháng qua. Thế nhưng, nơi mà cuộc chiến này thực sự nóng bỏng lại chính là châu Phi, giữa các gã khổng lồ công nghệ Mỹ - Trung.

Làn sóng tỉ USD

Trong thập niên vừa qua, làn sóng thâm nhập thương mại của Trung Quốc vào thị trường châu Phi đã diễn ra một cách âm thầm nhưng đang trở nên đa dạng hơn và ngày càng được dẫn dắt bởi khối doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lại cho thấy sự hứng thú sâu hơn đối với châu lục này. 

Từ sự thành công ở các thị trường mới nổi khác, Huawei, Tecno, ZTE, Tencent và nay là Alibaba đang thực hiện các khoản đầu tư vào các nước châu Phi từ Nigeria cho đến Kenya. Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi, được tổ chức 3 năm 1 lần, diễn ra vào đầu tháng 9 tại Bắc Kinh, đang mở ra một cơ hội thương mại mới cho doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, đối với các tập đoàn Mỹ như Amazon, để duy trì cạnh tranh ở các thị trường châu Phi, họ sẽ phải linh hoạt hơn trong các chiến lược thâm nhập thị trường với một danh mục sản phẩm đa dạng và cải tiến hơn. 

My - Trung doi dau o luc dia den
 

Thực ra, các hãng công nghệ Mỹ và Trung Quốc đều không xa lạ với thị trường công nghệ của châu Phi. Trong hơn 20 năm qua, các công ty phương Tây từ IBM cho đến Microsoft đã rót hàng tỉ USD vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của châu lục này. Huawei và ZTE dù là kẻ đến sau nhưng đã góp phần tạo nên làn sóng thứ hai của mạng di động châu Phi.

Các khoản đầu tư ban đầu này đã góp phần vào cơn bùng nổ trong lĩnh vực điện thoại di động và sự ra đời của thương mại điện tử ở các nước châu Phi. Hiện tỉ lệ sử dụng internet tại châu Phi đang tăng lên rất nhanh, đặc biệt ở các thị trường phát triển hơn như Nigeria và Nam Phi, trong khi tỉ lệ đăng ký thuê bao di động đã đạt hơn 44%. Transsion Holdings (Trung Quốc) đã trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu châu Phi, bán ra hơn 80 triệu chiếc mỗi năm. Tiếp cận internet cùng với tốc độ đô thị hóa tăng đang tạo ra một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử và các dịch vụ giải trí di động, dự kiến đạt 29 tỉ USD doanh thu vào năm 2022. 

Sự phát triển của các hoạt động từ streaming phim, nhạc cho đến truyền thông xã hội và các nền tảng hợp tác khác cho thấy các trận chiến sắp tới sẽ khốc liệt như thế nào. Trên thị trường truyền hình trả tiền của châu Phi (dự kiến đạt hơn 6 tỉ USD doanh thu vào năm 2021), StarTimes (Trung Quốc) có hơn 10 triệu người thuê bao và vừa công bố ký hợp đồng 7 triệu USD thời hạn 10 năm với Hiệp hội bóng đá của Uganda. Trong khi đó, Netflix đã tăng tốc cung cấp dịch vụ cho tất cả 54 quốc gia trên châu lục này.

Amazon vs Alibaba

Trận chiến lớn nhất chắc chắn sẽ diễn ra giữa 2 tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Amazon và Alibaba với tổng vốn hóa thị trường gần 1.500 tỉ USD. Mặc dù Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn được xem là mối ưu tiên của Amazon và Alibaba nhưng các thị trường châu Phi đang ngày càng thu hút sự chú ý của họ.

Năm 2017, nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba cam kết rót 10 triệu USD thành lập quỹ khởi nghiệp African Young Entrepreneurship Fund để bắt đầu tìm hiểu thị trường này. Kể từ đó, Alibaba đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bolloré Group - tập đoàn Pháp đang điều hành một công ty logistics lớn tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp - để tập trung vào logistics, các dịch vụ điện toán đám mây, năng lượng sạch và các công nghệ số mới. Alibaba đã mở rộng hệ thống thanh toán Alipay sang châu Phi và đang bước chân vào thị trường Đông Phi qua thỏa thuận hợp tác với Equity Bank (có trụ sở tại Kenya).

Cuộc bành trướng của Amazon vào châu Phi lại đang diễn ra với tốc độ chậm hơn. Năm ngoái Amazon mua lại Souq.com, nhà bán lẻ có trụ sở tại Dubai đang hiện diện ở Bắc Phi. Tuy nhiên, Amazon có xu hướng gầy dựng cơ sở hạ tầng riêng để hỗ trợ bộ phận đám mây Amazon Web Services, khi gần đây tuyên bố lập các cơ sở mới ở Cape Town và Johannesburg để mở rộng mạng lưới cung cấp nội dung.

My - Trung doi dau o luc dia den
 

Chiến lược bành trướng của Amazon thường sao chép các đặc điểm chính của mô hình bên Mỹ. Trái ngược với Alibaba, vốn có chiến lược đầu tư vào các tay chơi địa phương, Amazon lại đầu tư vào các công ty con với cùng các dịch vụ tương tự. Amazon gần đây hiện diện ở Ấn Độ, dù đã điều chỉnh cho phù hợp với mô hình kinh doanh tại đó nhưng vẫn xây dựng một mạng lưới kho hàng và tồn kho tương tự như ở Mỹ và châu Âu. Khoản đầu tư 5 tỉ USD tại Ấn Độ vẫn chưa cho thấy kết quả tương xứng và Amazon vẫn sẽ phải rót thêm vốn trong dài hạn. Các thách thức hạ tầng của châu Phi cũng sẽ đòi hỏi khoản đầu tư tương tự từ Amazon nếu áp dụng mô hình tương tự tại thị trường này. 

Trong khi đó, mô hình kinh doanh của Alibaba, đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán - có thể sẽ khả quan với thị trường châu Phi, nơi có hàng ngàn các cơ sở kinh doanh nhỏ và phi chính thức. Ant Financial, công ty trực thuộc Alibaba, gần đây đã huy động 14 tỉ USD để bành trướng ra toàn cầu với sự hứng thú không nhỏ dành cho thị trường châu Phi. Như tại các thị trường mới nổi khác, các hãng công nghệ Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội trên thị trường nóng bỏng châu Phi.

Nguồn FT