Hồ Điệp Thứ Hai | 10/12/2018 14:00

Mỹ - Trung “đình chiến”: Tín hiệu khuây khỏa

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạm hạ nhiệt nhưng chưa đủ để thị trường chứng khoán đi lên.

Ông Trump mở cuộc chiến chống lại WTO

Vì sao Mỹ - Trung ngưng leo thang chiến tranh thương mại?


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý không leo thang chiến tranh thương mại với lời hứa không áp dụng thuế mới trong vòng 90 ngày khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đàm phán một thỏa thuận lâu dài. Thế giới dường như được thả lỏng sau hơn 6 tháng “căng thẳng thương mại”. Nhưng 3 ngày sau đó, 4.12.2018, chỉ số Dow Jones giảm mạnh hơn 800 điểm và thị trường châu Á lại chìm trong sắc đỏ.

Tốt trong 90 ngày

Phản ứng tích cực với động thái trên, thị trường chứng khoán bật tăng ngay sau đó. Những chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 3.12.2018. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones đạt 25.826 điểm (tăng 1,13%), S&P 500 đạt 2.790 điểm (tăng 1,09%) và chỉ số Nasdaq đạt 7.441 điểm (tăng 1,51%). Cổ phiếu hai tập đoàn công nghiệp Mỹ vốn được xem là “hàn thử biểu” chiến tranh thương mại Boeing và Caterpillar tăng tương ứng 3,8% và 2,4%.

My - Trung “dinh chien”: Tin hieu khuay khoa
 


Tại châu Á, trong phiên sáng ngày 3.12, chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) tăng 0,6%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật mở phiên tăng 1,26%, đạt 22.633 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 tại Sydney (Úc) tăng 1,52% (hay 86,20 điểm) lên 5.753,40 điểm; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,98% (hay 20,59 điểm) lên 2.117,45 điểm sau 15 phút thị trường mở cửa giao dịch.
Về phần Trung Quốc, thị trường chứng khoán được cho rằng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh thương mại, cũng tăng cao hơn 2%. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 2,24% (58,04 điểm) lên 2.646,23 điểm, còn chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông tăng 2,02% (hay 535,64 điểm) lên 27.042,39 điểm.

Nhưng có lẽ khi cơn hưng phấn đi qua, thị trường nhận ra rằng thỏa thuận “đình chiến” này còn tiềm ẩn rủi ro phía sau. Đó là Trung Quốc và Mỹ phải đạt được thỏa thuận về những thay đổi mang tính cấu trúc trong 90 ngày, nếu không thì mức thuế nhập khẩu 10% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên 20%, theo thông cáo báo chí Nhà Trắng. Những thay đổi cấu trúc được đề cập liên quan đến nhiều vấn đề song phương như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và nhiều ưu tiên khác của Mỹ.

Nói cách khác, thời gian 90 ngày chỉ là thời điểm đại dương bình lặng trước khi phong ba có thể kéo đến, vào thời điểm tháng 3-4.2019. “Chắc chắn đây là một tín hiệu tốt khi lãnh đạo cấp cao hai bên đồng ý nói chuyện, một tín hiệu tốt về cái gọi là khung thời gian 90 ngày. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong thời gian đó”, ông Steve Okun, chiến lược gia kỳ cựu của Mclarty Associates, chia sẻ với kênh CNBC.

Rủi ro rình rập 

Điều mà ông Steve Okun chưa biết đã xảy ra. Đó là sự rạn nứt toàn cầu của thị trường chứng khoán, theo cách nhiều chuyên gia mô tả. Chỉ 24 tiếng sau khi hân hoan vì thỏa thuận “đình chiến” xảy ra, sắc đỏ bao trùm toàn bộ thị trường tài chính thế giới. Đóng cửa phiên ngày 4.12, chỉ số Dow Jones mất 799,36 điểm, tương đương giảm 3,1%, còn 25.027,07 điểm. S&P sụt 3,24%, còn 2.700,06 điểm. Chỉ số Nasdaq lao dốc 3,8%, còn 7.158,43 điểm. Theo CNBC, nhóm cổ phiếu FAANG đình đám với các thành viên là Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google - mất hơn 140 tỉ USD giá trị vốn hóa khi chốt phiên giao dịch ngày 4.12.

My - Trung “dinh chien”: Tin hieu khuay khoa
 


Tại châu Á, theo hãng tin Reuters, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật giảm 0,3%. Trong đó, thị trường Úc mất 1%, chứng khoán Hàn Quốc hạ 0,8%. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tụt 2,4%. Nguyên nhân cho sự hoảng loạn này là vì tín hiệu lạ của trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu kỳ hạn ngắn có mức lợi suất cao hơn trái phiếu thời hạn dài. Trong 50 năm qua, bất kỳ lần suy thoái kinh tế Mỹ nào cũng được báo trước bởi tín hiệu đảo ngược đường cong lợi suất. Trong thực tế, khi tín hiệu kỹ thuật tiêu cực kết hợp với tâm lý nghi ngại tính bền vững của thỏa thuận “ngừng bắn” Trung - Mỹ, mọi thứ đột nhiên rơi vào điểm rơi không đáy.

My - Trung “dinh chien”: Tin hieu khuay khoa
 

Ngoài ra, xu thế Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng phần nào khiến nhà đầu tư trong trạng thái muốn tháo chạy trước tình hình đầy biến động của thị trường thế giới. Theo báo cáo Late Cycle Dynamic của Mirae Asset Hàn Quốc, lãi suất cho vay thực tế của FED (Fed Fund rates) được dự báo sẽ vượt hơn 3% vào cuối năm 2019 và có thể tăng cao hơn vào năm 2010. Lãi suất tăng cao khiến nhiều chuyên gia đầu tư vào các kênh an toàn hơn là chứng khoán. Chuyên gia kinh tế Heechan Park của Mirae Asset cho biết, Đông Nam Á đang ở vị thế tốt khi một thống kê của các công ty Mỹ tại Trung Quốc cho rằng họ có thể cân nhắc việc di dời nhà máy nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và kéo dài.

My - Trung “dinh chien”: Tin hieu khuay khoa
 

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho biết, khi thị trường có nội lực cơ sở tốt thì việc điều chỉnh giá chỉ xảy ra ngắn hạn và có thể là cơ hội tốt cho nhà đầu tư lâu dài. Thị trường chứng khoán nước nào cũng khá nhạy cảm với thông tin, đặc biệt là thông tin căng thẳng về thương mại giữa hai cường quốc. “Chúng tôi cho rằng điều kiện cần cho một nhịp hồi phục ngắn hạn đã sẵn sàng, yếu tố còn lại là thanh khoản sẽ cần được tiếp tục thúc đẩy để xác nhận xu hướng. Rủi ro cũng giảm đáng kể so với tuần trước. Nhà đầu tư lúc này không cần quá thận trọng nếu kèm theo vị thế mua là một chiến lược quản trị rủi ro phù hợp”, Công ty Chứng khoán FPTS, nhận định về phiên giao dịch ngày 4.12.