Ảnh: Bloomberg.
Muốn tìm Ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập? Hãy đến Trung Quốc
Điều bất ngờ
Các Ngân hàng Trung ương thực sự độc lập dường như đang dần biến mất. Ông Donald Trump liên tục công kích vào chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) là thắt chặt tiền tệ quá mức. Giới phân tính cho rằng, bên cạnh việc triển vọng kinh tế thế giới ngày một ảm đạm hơn, việc ông Trump chỉ trích ông Powell cũng có thể là nguyên nhân khiến FED dừng nâng lãi suất trong quý I.2019. Ngay cả, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu là ông Mario Draghi cũng đã thể hiện lo lắng sự độc lập của FED. Các nhà lãnh đạo quốc gia từ Ấn Độ đến Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nhiều áp lực để điều hướng chính sách tiền tệ theo ý muốn của họ. Tuy vậy, một trong những Ngân hàng Trung ương đang đi ngược lại với xu hướng này lại cái tên không ai ngờ tới: Đó chính là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bloomberg cho hay.
Thực tế, PBOC, vốn đang cố gắng giảm các khoản vay lớn trước mối quan ngại về việc tái xuất hiện bong bóng tài sản, dường như đang đi ngược dòng với xu hướng của thế giới. Câu hỏi đặt ra là họ có thể giữ vững vị thế này trong bao lâu?
Những nỗ lực của PBOC được thể hiện rõ ràng nhất trên thị trường trái phiếu. Chỉ hai tuần trước, các nhà đầu tư đã đặt cược lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 3% trong năm nay như đã từng diễn ra vào năm 2016. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, đợt tăng giá trái phiếu đã bị đảo ngược. Vào ngày 15.4, mức lợi suất chuẩn đã tăng lên đạt được mức cao của tháng 11.2018 (lợi suất trái phiếu tăng thì giá trái phiếu giảm xuống).
Giới phân tích đã đổ lỗi cho PBOC vì điều này. Thực tế, các nhà đầu tư đã hy vọng sẽ tín dụng sẽ được nới lỏng hơn kể từ khi Ngân hàng Trung ương tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 4/1, dù vậy, điều đó thực sự không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng lãi suất. Tệ hơn nữa, PBOC đã không thực hiện bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong 18 ngày liên tiếp, với lý do rằng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng trở lại trong tháng 4.2019. |
Mâu thuẫn với Bộ Tài chính
Sự điềm tĩnh của PBOC đã mâu thuẫn với Bộ Tài chính Trung Quốc. Trong một nỗ lực để thúc đẩy nền kinh tế, Bộ này đang tìm những giải pháp mới để tài trợ cho các gói kích thích tài khóa. Việc này tập trung vào việc phát hành trái phiếu đặc biệt của Chính phủ, chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Trong quý đầu tiên, tổng tín dụng toàn xã hội đã tăng 2,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ; 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong đó đến từ cho vay doanh nghiệp ngắn hạn - có lẽ do sức ép từ PBOC lên các ngân hàng để cho vay càng nhiều càng tốt - và 462 tỷ Nhân dân tệ từ việc phát hành trái phiếu đô thị.
Trung Quốc lên kế hoạch chào bán lượng trái phiếu trị giá 2,15 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm nay, tăng từ con số 1,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ được phát hành năm 2018. Để thị trường trái phiếu có thể hấp thụ thêm nhiều nguồn cung mới, lợi suất cần phải có xu hướng giảm (nghĩa là giá trái phiếu tăng lên) chứ không phải là tăng lên.
Bloomberg nhận định Ngân hàng Trung ương gần như chắc chắn biết điều này sẽ không có lợi cho các kế hoạch của Bộ Tài chính. Nhưng, ít nhất cho đến nay, cơ quan này dường như vẫn đang ưu tiên giải quyết mối quan ngại của mình. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã trải qua ít nhất 3 chu kỳ tín dụng lớn. Tín dụng đã được bơm rất nhiều vào nền kinh tế, đây là nguyên nhân khiến đã làm Trung Quốc gánh khoản nợ khổng lồ, làm gia tăng nợ xấu. Theo Bloomberg nhận định, PBOC có thể đã nhận ra thực tế này.
Thật không may, trên toàn thế giới, ranh giới giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đang bị xóa nhòa. Một thập kỷ nới lỏng định lượng và gia tăng thâm hụt tài chính ở các quốc gia phát triển đã không dẫn đến lạm phát tăng tăng lên và khiến giới đầu tư trái phiếu khó chịu. Các chính phủ thì vẫn có xu hướng tích lũy thêm nợ, miễn là các Ngân hàng Trung ương tạo điều kiện bằng cách giữ lợi suất trái phiếu ở mức thấp, hoặc bằng cách mua trái phiếu toàn bộ. Thật khó để PBOC có thể đi ngược xu hướng này, Bloomberg nhận định.