Muỗi lấy bao nhiêu tỷ USD của nền kinh tế?
Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) nặng chưa tới 1 hạt gạo, sống chỉ vài tuần lễ và chỉ loanh quanh khu vực đẻ trứng. Một sinh vật có phạm vi hoạt động thu hẹp như vậy nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và thương mại toàn cầu. Vào năm 1793, một trận dịch sốt vàng da do muỗi tại Philadelphia đã khiến cho giao thương ngưng trệ và cướp đi sinh mạng của 1/10 dân số thành phố này. Một thế kỷ sau đó, cũng do căn bệnh này đã khiến Pháp phải từ bỏ nỗ lực xây dựng một kênh đào dọc Panama.
Muỗi Aedes aeqypti giờ đang truyền virus Zika khắp châu Mỹ Latinh. Virus này, được phát hiện ở Brazil lần đầu tiên vào tháng 5.2015, bị cho là nguyên nhân làm gia tăng bất thường dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì không có vắc-xin và phương thuốc điều trị Zika nên “cách phòng chống hiệu quả nhất là kiểm soát sự sinh sôi nảy nở của muỗi và phòng ngừa bị muỗi đốt”, Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trả lời phỏng vấn báo giới vào đầu tháng 2.
“Các căn bệnh do muỗi đốt là những căn bệnh dễ ngăn ngừa nhất nhưng cũng tốn kém nhất”, Lawrence Gostin, Giáo sư về Luật Y tế toàn cầu tại Georgetown Law, nhận xét. Ông ước tính chi phí đối phó với trận dịch Zika sẽ lên tới hàng tỉ đô, tính cả số tiền bỏ vào vắc-xin. Đối chiếu những căn bệnh do muỗi đốt trước đó cho thấy Zika sẽ rất đắt đỏ trong nhiều phương diện khác nhau. Những năm bị mất mát do sức khỏe kém, ốm yếu tàn tật, hay chết sớm, “chưa kể đến chi phí khổng lồ và dài hạn cho hệ thống y tế của quốc gia”, Stephen Higgs, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa và Vệ sinh Nhiệt đới Mỹ kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh sinh thái tại Đại học bang Kansas, nhận xét.
Tổ chức WHO ước tính có 3-4 triệu trường hợp nhiễm virus Zika tại châu Mỹ trong năm nay. Tại Brazil, chính quyền nước này đã khuyến cáo những phụ nữ mang thai người nước ngoài không nên đi du lịch sang Rio để tham dự Thế vận hội Olympics vào tháng 8. Phụ nữ mang thai khắp Brazil đang săn lùng các hiệu thuốc mua thuốc chống muỗi. Nhiều người đã hủy bỏ các chuyến đi đến vùng Đông Bắc Brazil, vốn là trung tâm của trận dịch.
Trong bối cảnh Brazil đang đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, nước này sẽ bỏ ra hơn 1 tỉ real (256,7 triệu USD) vào chương trình diệt muỗi trong năm 2016. Brazil đang huy động 220.000 quân lính và 309.000 nhân viên y tế đến tận nhà dân, kiểm tra nước tù đọng và phân phát sách hướng dẫn phòng chống muỗi cho người dân. Các nhân viên tính đến nay đã kiểm tra được gần 11 triệu ngôi nhà trong chiến dịch nâng cao nhận thức về mối nguy cơ do muỗi mang lại mà ông Jaques Wagner, tham mưu trưởng của Tổng thống brazil, gọi là “vắc-xin duy nhất của chúng tôi” cho đến thời điểm này. “Đó là một cuộc chiến chống lại một kẻ thù gần như vô hình đang bành trướng rất nhanh”, ông nhận xét. Tuy nhiên, ông Wagner cho biết khả năng hủy bỏ Thế vận hội Olymipcs “là không xảy ra”.
Các quan chức Brazil “có thể hy vọng hão huyền rằng người dân sẽ không tránh xa Olympics”, Grant Hill-Cawthorne, một nhà virus học y tế, dạy môn y tế cộng đồng tại Đại học Sydney, nhận xét. Trong quá khứ, các trận dịch bùng nổ như dịch SARS ở châu Á năm 2003 thì chi phí kinh tế do gián đoạn du lịch và thương mại đã cao hơn cả chi phí y tế xử lý bệnh dịch trực tiếp. “Từ kinh nghiệm trận dịch Ebola ở Tây Phi, chúng tôi biết rằng nó có thể tác động rất lớn đến các nền kinh tế”, Hill-Cawthorne nói thêm.
Bệnh sốt xuất huyết cũng lây lan qua đường muỗi đốt. Số ca bị sốt xuất khuyết được báo cáo mỗi năm đã tăng từ khoảng 125.000 ca vào thập niên 1970 lên hơn 3 triệu ca vào năm 2013. Theo một số ước tính, có đến 390 triệu người bị sốt xuất huyết mỗi năm, dù không phải ai cũng phát ra triệu chứng. Hơn 2 tỉ người sống ở những nơi dễ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết khiến cho thế giới tốn kém khoảng 9 tỉ USD mỗi năm, theo Donald Shepard, chuyên gia kinh tế ngành y tế tại Đại học Brandeis. Con số này đã tính luôn chi phí điều trị và giá trị thời gian bị mất đi do bệnh tật và tử vong. Nó cũng bao gồm chi phí chi tiêu vào công tác theo dõi và ngăn ngừa và hạn chế đi lại và giao thương của người dân. Hầu hết chi phí rơi vào “các quốc gia mà có thể không kham nổi gánh nặng này”, Shepard nói. Ông cũng lưu ý Brazil có nhiều trường hợp nhiễm sốt xuất huyết nhất trên thế giới.
Cho đến nay, thiệt hại lớn nhất là do căn bệnh sốt rét gây ra với tác nhân gây bệnh là muỗi Anopheles. Theo quan sát của chuyên gia kinh tế Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia vào năm 2001, các quốc gia bị lao đao vì bệnh sốt rét lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, trong khi những quốc gia giảm được tình trạng sốt rét thì lại tăng trưởng nhanh hơn. Muỗi Anopheles chỉ đốt vào ban đêm, vì thế phun thuốc chống mũi và treo mùng khi ngủ có thể ngăn được bệnh sốt rét. Một chiến dịch toàn cầu chống lại căn bệnh sốt rét do quỹ Bill & Melinda Gates Foundation hỗ trợ đã giúp giảm được tỉ lệ tử vọng tới 60% kể từ năm 2000. Thế giới đã chi ra 2,7 tỉ USD vào việc điều trị và chống lại bệnh sốt rét vào năm 2013.
Có khoảng 214 triệu ca mắc bệnh sốt rét trên toàn cầu vào năm 2015 và 438.000 ca tử vong so với khoảng 13.000 ca tử vong của bệnh sốt xuất huyết. Diệt trừ bệnh sốt rét vào năm 2040 sẽ làm thế giới tốn kém từ 90-120 tỉ USD, nhưng mang lại món lợi ích lên tới 2.000 tỉ USD nhờ thành công đạt được trong các vấn đề y tế và gia tăng năng suất, theo báo cáo của quỹ Gates Foundation và tổ chức phi lợi nhuận Malaria No More. Kế hoạch là triển khai thực hiện vắc-xin và tiêu diệt muỗi Anopheles.
Trong khi thế giới đã giảm được căn bệnh sốt rét ở châu Á và châu Phi, thì sự bùng nổ các căn bệnh như sốt xuất huyết, Zika và Chikungunya (tương tự như bệnh sốt xuất huyết) tại châu Mỹ lại mang đến một thách thức hoàn toàn khác. Lần đầu tiên được phát hiện tại Uganda vào năm 1947, Zika đã lan nhanh khắp châu Mỹ Latinh vì người dân chưa từng chứng kiến căn bệnh này trước đó nên không ai có miễn dịch cả. “Mầm bệnh trước đây chỉ giới hạn trong môi trường sống của một loài nào đó, nhưng giờ chúng đã vượt ra khỏi môi trường sống đó” trên những con tàu và máy bay, theo Mark Honigsbaum, một nhà lịch sử học y tế tại Đại học Queen Mary của London. “Và khi chúng vượt ra khỏi ranh giới, bạn không thể lường trước được chúng sẽ xuất hiện ở đâu”, Honigsbaum nói thêm.
Tại Nigeria, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh sốt rét, virus Zika càng làm dấy lên mối lo ngại về một mối đe dọa mới từ loài muỗi. “Tôi không muốn bệnh dịch ấy tràn sang Nigeria. Nigeria không thể lo nỗi nếu điều đó xảy ra”, Christina Richards, một nhân viên vệ sinh ở Lagos đang mang thai 24 tuần, lo ngại.
Nhưng như Grayson Brown, Giám đốc Phòng thí nghiệm Côn trùng học Y tế công tại Đại học Kentucky, chia sẻ: “Chúng ta luôn chậm hơn ở khía cạnh vắc-xin và điều trị. Cách duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ mình là cải thiện khả năng đối phó với muỗi”.
Khánh Đoan
Nguồn Bloomberg