Thứ Tư | 13/03/2013 09:59

Mục đích những lời đe dọa cứng rắn của Triều Tiên

Những tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên trong những ngày gần đây được cho là chỉ nhằm gây áp lực tâm lý với Hàn Quốc.
Ngày 11/3, trong bối cảnh tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảnh báo sẽ "xóa sổ" một hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc.

Theo nhận định của giới phân tích, cảnh báo của Kim Jong-un là rất đáng chú ý bởi nó đề ra mục tiêu cụ thể và mang tính thù nghịch. Ông Kim Jong-un đã thông báo ngắn gọn với các sỹ quan pháo binh về việc biến hòn đảo này thành "biển lửa".

Theo KCNA, Kim Jong-un đã yêu cầu sỹ quan chỉ huy chụp ảnh các vị trí của kẻ thù đang chìm trong biển lửa và "gửi những bức ảnh này cho Tư lệnh tối cao". Yang Moo-Jin - giáo sư tại Trường Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul - bình luận: "Triều Tiên đang tạo ấn tượng rằng nước này muốn đưa mọi việc lại như 60 năm trước đây."

Trước đó, báo Rodong - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Triều Tiên - đưa tin Bình Nhưỡng hủy hiệp định đình chiến năm 1953 từng giúp chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, đồng thời cắt đứt đường dây nóng liên Triều được sử dụng để trao đổi thông tin chung, thảo luận việc vận chuyển hàng viện trợ và đoàn tụ các gia đình li tán. Báo Rodong nhấn mạnh: "Với thỏa thuận ngừng bắn bị hủy bỏ, kể từ nay, không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra."

Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ diễn ra tiếp theo và liệu Triều Tiên có "nói đi đôi với làm" hay không, song, ngày 12/3, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết không có dấu hiệu nào chứng tỏ Triều Tiên sẽ tấn công hoặc tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai gần, và có lẽ Bình Nhưỡng chỉ đang gây áp lực tâm lý lên Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, sở dĩ Triều Tiên có hành động hiếu chiến như vậy là nhằm củng cố lòng trung thành của người dân và quân đội với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Daniel Pinkston, chuyên gia ở Seoul về Triều Tiên thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng đây là một phần của chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Triều Tiên.

Hành động này là nỗ lực thể hiện sự kiên quyết của Triều Tiên, rằng họ sẵn sàng vượt qua những nguy cơ lớn hơn với hy vọng các nước sẽ nhượng bộ và cung cấp những gì mà họ muốn, đó là một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thay cho thỏa thuận mà về mặt kỹ thuật bán đảo này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh; sự đảm bảo an ninh và nhiều nhượng bộ khác; cuộc đối thoại trực tiếp với Washington; được thừa nhận là một quốc gia có vũ khí hạt nhân; buộc Mỹ phải di dời 28.500 quân đang có mặt ở Hàn Quốc...

Nhà phân tích Hong Hyun-ik thuộc Viện nghiên cứu tư nhân Sejong ở Hàn Quốc cho rằng với thực tế khu công nghiệp Keasong vẫn hoạt động bình thường, việc Triều Tiên tuyên bố cắt đứt đường dây liên lạc chỉ mang tính biểu tượng. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ngày 11/3, hơn 840 người Hàn Quốc đã được đưa sang khu công nghiệp Keasong - nơi mang lại lượng tiền thiết yếu cho Triều Tiên, quốc gia đang bị thiếu lương thực trầm trọng.

Nhà phân tích Hong Hyun-ik nói: "Nếu người Hàn Quốc không làm việc tại Keasong, Triều Tiên sẽ rất khốn khổ với tình trạng tài chính. Nếu Triều Tiên thực sự muốn chiến tranh với Hàn Quốc, hẳn họ đã bắt cóc các công nhân Hàn Quốc tại Keasong làm con tin."

Tại Washington, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ hết sức quan ngại trước những tuyên bố của Triều Tiên và nhắc lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện bổn phận quốc tế. Ông Carney nói: "Bằng việc đưa ra những lời đe dọa và khiêu khích, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ không được gì cả. Hành động như vậy chỉ khiến nước này bị cô lập hơn và làm xói mòn những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á". Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ có đủ khả năng để đáp trả các vụ tấn công tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện