Quảng cáo tại một dự án chung cư ở ngoại ô Đồng Lăng, có nội dung: "mua một tầng, tặng một tầng". Ảnh: Noriyuki Doi.
"Mua một tặng một": Bất động sản Trung Quốc sụt giảm sâu
Các dự án nhà ở đang xây dựng dở dang hoặc trông có vẻ như bị bỏ hoang là cảnh thường thấy ở Đồng Lăng, một thành phố ở tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc.
"Mua một tầng, tặng một tầng" là dòng quảng cáo về một dự án đang được phát triển ở vùng ngoại ô. Nhưng ngay cả với lời đề nghị hào phóng, mức giá 1,45 triệu nhân dân tệ (202.000 USD) vẫn là quá cao đối với hầu hết người dân, khi mà mức lương hàng tháng trong khu vực trung bình chỉ khoảng 3.000 - 4.000 nhân dân tệ.
"Ngay cả khi họ giảm giá, vẫn sẽ không có ai mua", người dân địa phương cho biết.
Nhà ở không bán được chỉ là một trong nhiều triệu chứng của thị trường bất động sản suy thoái nghiêm trọng tại Trung Quốc, một điều mà ngay cả các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu thừa nhận.
Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận "có những thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường bất động sản Trung Quốc" tại cuộc họp gần nhất vào ngày 24/7.
Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà ở mới trên toàn quốc tính theo diện tích sàn đã giảm 26,8% vào năm 2022, giảm thêm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023.
Người mua đặc biệt khan hiếm ở các thành phố cấp ba và cấp bốn như Đồng Lăng. Ông Zhou Junzhi, một nhà phân tích tại Minsheng Securities, ước tính rằng sẽ mất hơn 13 năm để tiêu thụ hết số lượng nhà ở của Đồng Lăng.
Bất động sản và nhiều ngành liên quan tạo ra khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Mặc dù điều này thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu mạnh mẽ, nhưng hiện tại nó đang đè nặng lên nền kinh tế.
GDP thực tế, được điều chỉnh theo mùa, tăng 0,8% trên cơ sở hàng quý, từ tháng 4 đến tháng 6, chậm lại so với mức 2,2% trong quý đầu tiên. Một số nhà kinh tế hiện dựu đoán tăng trưởng cả năm giảm xuống dưới 5%.
Các công ty bất động sản mắc nợ nặng nề như China Evergrande Group đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chính sách Zero-Covid của chính phủ, khiến họ phải đối mặt với những rắc rối tài chính như hiện tại. Trong khi đó, dân số Trung Quốc bắt đầu giảm lần đầu tiên sau 61 năm vào cuối năm 2022, còn thị trường chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.
Số lượng nhân viên tại các công ty bất động sản niêm yết ở đại lục đã giảm khoảng 100.000 vào năm ngoái từ khoảng 890.000 vào cuối năm 2021, theo nhà cung cấp dữ liệu Wind có trụ sở tại Thượng Hải.
Ông Meng Lei, Chiến lược gia tại UBS, cho biết: “Việc sa thải nhân công đang gây áp lực, giảm nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình.”
Sự căng thẳng đối với các doanh nghiệp mắc nợ khác đang bắt đầu lộ rõ. Vào ngày 19/7, thành phố Giang Âm thuộc tỉnh Giang Tô đã đồng ý mua 80% cổ phần của nhà sản xuất vật liệu Jiangsu Huaxi Group với giá chỉ 1 nhân dân tệ. Công ty này từng là hạt nhân kinh tế của ngôi làng Hoa Tây, từng được coi là giàu nhất Trung Quốc.
Năm 2011, xem du lịch là động lực mang lại lợi nhuận lớn tiếp theo, tập đoàn này đã xây dựng một khách sạn 72 tầng, cao 328 mét ở trung tâm Hoa Tây. Nhưng khách sạn đã thu hút được rất ít khách vì thiếu các điểm thu hút khách du lịch và hiện hầu như bị bỏ hoang.
Báo cáo tài chính gần nhất cho thấy tài sản ròng của Tập đoàn Huaxi vào khoảng 14 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 9/2018. Chính quyền địa phương buộc phải cứu trợ sau khi những tài sản đó mất giá.
Trong khi đó, thị trường tài chính đang để mắt đến những rủi ro xung quanh các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV), các công ty thuộc sở hữu của chính phủ được thành lập để huy động tiền cho chi tiêu của chính quyền địa phương. Doanh số bán quyền sử dụng đất, một nguồn thu quan trọng, đã giảm mạnh.
Citigroup ước tính tổng nợ công của Trung Quốc, bao gồm cả nợ chịu lãi từ LGFV, ở mức 108 nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 90% GDP.
Bộ Chính trị cho biết trong cuộc họp tuần trước rằng Trung Quốc nên "xây dựng và thực hiện một gói các kế hoạch xóa nợ."
Có thể bạn quan tâm:
"Kỳ lân" gặp khó trên toàn cầu
Nguồn Nikkei Asia