Kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Ảnh: Bloomberg

 
Đàm Hoa Thứ Hai | 28/01/2019 08:00

"Mùa đông" quét qua Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu cảm thấy "rét lạnh" trước những làn gió ngược đang thổi qua.

Cú sốc ở Ôn Châu

Zhu Jun, một doanh nhân làm giày ở Ôn Châu, Chiết Giang, cho biết ông đã rơi nước mắt khi một tòa án thành phố đã siết nợ chiếc xe cưng của ông. Công ty Wenzhou Yi He Footwear Ltd. của Zhu đã phá sản 2 tháng trước do khách hàng chậm thanh toán và Zhu lại không cấp được tài sản thế chấp để vay thêm tiền. Thế là chiếc Audi Q7 của ông đã được tòa án đem đi bán để trả lương cho công nhân. “Thật là quá tàn nhẫn đối với các doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề thanh toán chưa bao giờ nghiêm trọng như thế trong suốt 4 năm Công ty hoạt động”, Zhu nói.

Thành phố Ôn Châu trở nên nổi tiếng vì đã sản sinh ra những tỉ phú khởi nghiệp trong suốt thời hoàng kim của ngành sản xuất Trung Quốc. Nhưng giờ đây, thành phố này đang bị bao phủ bởi bầu không khí u ám khi liên tiếp hứng chịu những cú sốc khiến cho Ôn Châu, cỗ máy công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc, bị chững lại. Chiến tranh thương mại với Mỹ, nhu cầu nội địa yếu ớt, chi phí tăng lên và việc Chính phủ Trung Quốc thẳng tay đối với hoạt động cho vay của nền kinh tế ngầm và tình trạng ô nhiễm... tất cả đang khiến các doanh nghiệp tại đây cảm thấy khó sống.

 

Thậm chí trước khi xảy ra tranh chấp thương mại với Mỹ, khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, thì nhiệm vụ của Chính phủ trong việc chuyển dịch nền kinh tế từ các ngành thâm dụng lao động sang ngành dịch vụ và các công nghệ có thế mạnh cũng đã rất khó khăn. Bởi lẽ, tổng nợ hiện đã hơn gấp 2,5 lần GDP và vào tuần qua, các chuyên gia kinh tế dự báo Chính phủ sẽ công bố tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,6%, chậm nhất trong gần 30 năm qua. Niềm tin doanh nghiệp đang sa sút và chi tiêu tiêu dùng đang chậm lại.

Đằng sau những con số này là những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù hoạt động kinh tế toàn cầu có xu hướng đi theo chu kỳ, nhưng biến động tại Trung Quốc lại ảnh hưởng sâu rộng hơn thế. “Nhiều công ty đang rơi rụng và chi phí đang tăng mạnh đã tạo sức ì rất lớn lên hoạt động kinh doanh.

Nhưng điều này cũng buộc họ phải chuyển đổi mô hình. Trong vài năm nữa, tôi tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ hoàn toàn khác”, Tao Dong, Phó Chủ tịch bộ phận Trung Quốc tại Credit Suisse Private Banking ở Hồng Kông, nhận định.

Tại thành phố cảng 9 triệu dân ở tỉnh Đông Nam Chiết Giang, các doanh nghiệp thoát được cuộc suy giảm kinh tế này dường như sẽ là các doanh nghiệp biết điều chỉnh cho phù hợp với quá trình chuyển dịch của nền kinh tế.

Midpoint Group, nhà sản xuất các thiết bị như hệ thống đèn kiểm soát bằng giọng nói, máy đo huyết áp, đã chứng kiến lợi nhuận tăng 10% vào năm 2018 với doanh thu đạt 200 triệu nhân dân tệ (29,6 triệu USD), theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Zhu Chenghua. Công ty này cho biết họ đã giữ được vị thế bằng cách chuyển sang hàng hóa có giá trị cao hơn và chi 5% doanh thu vào R&D. Năm nay, Công ty sẽ ra mắt một hệ thống dựa trên camera có thể giám sát người lớn tuổi ở nhà.

Không giống các cuộc suy giảm kinh tế trước đó, các nhà làm chính sách lần này đã không bơm vốn vay ồ ạt để kích thích tăng trưởng, thay vào đó duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng có đích ngắm để “dẫn dắt” đà suy giảm từ từ, chống sốc cho nền kinh tế.

Thế giới thấp thỏm

Các số liệu mới nhất cho thấy sản xuất công nghiệp vào tháng 12.2018 đã chậm lại còn 5,3% trong khi tăng trưởng GDP quý IV là 6,4%, mức tăng trưởng hàng quý chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm, theo khảo sát của các chuyên gia kinh tế. Liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thành công trong việc dẫn dắt tăng trưởng giảm từ từ mà không kích hoạt đà sụt giảm mạnh là điều đang khiến giới đầu tư thấp thỏm.

 

 Ít nhất nỗi lo của họ đã được xoa dịu phần nào khi số liệu tín dụng tháng 12 đã cao hơn dự báo và các nhà làm chính sách cam kết sẽ cắt giảm thuế mạnh hơn. Giới chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng chậm lại còn 6,2% năm nay và 6% năm 2020.

“Các quan chức Trung Quốc đang đối mặt với một thách thức điều chỉnh hết sức tế nhị, đòi hỏi họ phải rất tinh tế trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ có đích ngắm cho những ngành đang ở bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị nhưng vẫn phải kiềm cương một cách vừa phải để tránh phân bổ nguồn lực vào những ngành không còn mang lại mức sinh lãi như mong muốn”, Frederic Neumann, đồng đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings PLC ở Hồng Kông, nhận định.

Một thách thức lớn là làm sao khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, vốn đóng góp tới 60% GDP, 80% lao động và 90% việc làm mới. Nhiều trong số những công ty này đã và đang bị tác động bởi việc Chính phủ siết cho vay và ô nhiễm, vốn đã làm lợi cho những doanh nghiệp nhà nước lớn vì họ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn từ các ngân hàng quốc doanh và cũng có hầu bao rủng rỉnh hơn để đạt được các tiêu chuẩn môi trường cao hơn.

 “Các doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với nhiều áp lực và thách thức hơn do đà suy giảm kinh tế mạnh mẽ trong một tình huống vốn dĩ đã rất khó khăn. Trung Quốc cần phải trải qua những ngày tháng đắng cay trong nhiều năm khi tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng Trung Quốc có thể có được một tương lai xán lạn hơn”, Zhou Dewen, Phó Giám đốc Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc, nhận định.

Nguồn Bloomberg