Chủ Nhật | 17/06/2012 13:33

Mua bán nợ xấu, kinh nghiệm từ mô hình KAMCO của Hàn Quốc

Mô hình KAMCO có thể là một kinh nghiệm cho công ty mua bán nợ xấu quy mô 100.000 tỷ VNĐ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
KAMCO vốn là một công ty quản lý tài sản nợ thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), tháng 8/1997 được Chính phủ Hàn Quốc cho phép mua – bán nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng, nhằm đối phó với tình trạng nợ xấu nước này tăng mạnh từ cuối năm 1997.

Sau khi đánh giá lại nợ xấu, đưa các khoản quá hạn trên 3 tháng thay vì chỉ các khoản nợ quá hạn trên 6 tháng như trước khủng hoảng vào nhóm nợ xấu, nợ xấu toàn bộ hệ thống tài chính Hàn Quốc vào tháng 3/1998 lên tới 118 ngàn tỉ won, bằng 18% tổng dư nợ (tương đương khoảng 27% GDP của Hàn Quốc năm 1998), trong đó có 42% là nợ quá hạn từ 3 – 6 tháng, và 58% là nợ quá hạn trên 6 tháng.

Tới tháng 4/2003, KAMCO mua tổng cộng 110,1 ngàn tỉ won nợ xấu theo giá sổ sách của toàn bộ hệ thống tín dụng với tổng số tiền 39,8 ngàn tỉ won và đồng thời bán được 65,9 ngàn tỉ won theo giá sổ sách, thu về 31,1 ngàn tỉ won.

Số nợ xấu còn lại theo giá sổ sách là 44,2 ngàn tỉ won, với giá thị trường vào khoảng 12,8 ngàn tỉ won.

a

Quy trình mua bán nợ xấu

Các khoản nợ xấu sẽ được mua bán dựa trên phân tích, định giá, đàm phán theo các tiêu chí cũng như phương pháp phù hợp KAMCO áp dụng trong từng thời kỳ.

Thời gian đầu, KAMCO định giá nợ xấu dựa trên khả năng mất vốn theo quy định về an toàn vốn của các khoản nợ. Giai đoạn sau, KAMCO tiến hành định giá nợ xấu dựa trên đặc điểm của từng khoản nợ.

Tính trung bình, KAMCO trả 36% giá trị sổ sách các khoản nợ xấu công ty này mua (tức được chiết khấu 64%). Các khoản nợ xấu có thế chấp có giá trung bình bằng 67% giá trị sổ sách, còn các khoản nợ xấu không có thế chấp có giá trị trung bình khoảng 11% giá trị sổ sách.

Nhìn chung, KAMCO định giá cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn đầu. Sau đó, việc định giá sát với thị trường hơn, kích thích các công ty mua bán nợ xấu tư nhân tham gia mạnh hơn vào quá trình này.

Việc thanh lý các khoản nợ xấu được tiến hành dưới nhiều hình thức, từ đấu thầu quốc tế cho đến bán buôn, bán lẻ, và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, chủ yếu được thực hiện vào cuối năm 2008 khi tình hình kinh tế của Hàn Quốc có những cải thiện đáng kể.

KAMCO xét về tổng thể hoạt động được coi là thành công, khi giúp các công ty mua bán nợ xấu tư nhân Hàn Quốc mạnh dạn tham gia vào thị trường hơn.

Nếu như năm 1997, toàn bộ giá trị các thương vụ mua bán nợ xấu tại Hàn Quốc đều do KAMCO tiến hành thì con số này giảm xuống còn 58,15% vào năm 1998; và 2,81% vào năm 2000. Nhờ đó, nợ xấu của Hàn Quốc đã giảm mạnh từ 17% tổng dư nợ vào tháng 3.1998 xuống còn 2,3% vào cuối năm 2002.

Việt Nam có thể học hỏi bài học từ KAMCO, thành lập công ty mua bán nợ tầm cỡ quốc gia kích thích quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng. Nếu việc này được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy 20 công ty mua bán nợ trực thuộc các ngân hàng thương mại tham gia giải quyết nợ xấu của hệ thống tín dụng Việt Nam, có thể giúp giảm nợ xấu của Việt Nam trở lại mức bình thường, dưới 3%, trong vòng 2 - 3 năm tới.

Nguồn SGTT


Sự kiện