"Một trật tự thế giới mới đang mở ra trước mắt chúng ta"
Thế giới hiện nay đang trở nên bất ổn định hơn, năng động hơn và đáng lo ngại hơn, nhưng bởi thế mà cũng thú vị hơn.
Ông Sergei Karaganov, Trưởng Khoa Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Học viện Kinh tế cao cấp, Chủ tịch danh dự Ban đối ngoại và chính sách quốc phòng Nga bình luận:
“Các sự kiện trong năm 2015 đã chứng minh rằng hệ thống quan hệ quốc tế trước đây được hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã hoàn toàn lỗi thời.
Trước mắt chúng ta đang mở ra một trật tự thế giới mới. Hiện tại, đã có thể ghi nhận một số xu hướng mới trong sự phát triển của nó. Trước tiên, đó là sự gia tăng nhanh chóng vai trò của Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đang tích cực tăng cường sự hiện diện của mình không chỉ trong khu vực Đông Nam Á và châu Phi, mà còn ở các khu vực khác như Trung Á, nơi mà lợi ích của nước này đang chồng chéo với các lợi ích của Nga.
Gần đây, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có những cuộc đụng độ không thể tránh khỏi giữa Moscow và Bắc Kinh trong khu vực này, nhưng cho đến nay cả hai bên vẫn đang có thể tránh được điều đó.
Nếu thực hiện được ý tưởng kết hợp "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” của Trung Quốc với Cộng đồng kinh tế Á- Âu, liên minh chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ có thể tiến tới một vai trò quan trọng, thành một trong các cực của trật tự thế giới tương lai. Thời gian sẽ trả lời về mức độ khả thi của sự hợp tác này”.
Ông Karaganov khẳng định, sớm hay muộn thì quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ được giải quyết, bởi vì sự đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân đang khiến cho toàn bộ thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Karaganov, Mỹ đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới: “Xu hướng này mới xuất hiện trong ba hoặc bốn năm qua, nhưng đã manh nha trong một thời gian dài.
Sau năm 2003, khi đang ở đỉnh cao của quyền lực, Hoa Kỳ bắt đầu nhanh chóng đánh mất ảnh hưởng khi tham gia một cách thiếu cân nhắc vào các cuộc chiến tranh ở Trung Đông bao gồm Afghanistan, Iraq và Libya.
Các cuộc can thiệp quân sự vào các xung đột đó của người Mỹ đều đã kết thúc trong thất bại, vì vậy nguồn lực tài chính và ngoại giao to lớn cuối cùng đã bị lãng phí.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 mà hậu quả của nó vẫn chưa được khắc phục, đã làm tan vỡ những ảo tưởng về mô hình kinh tế tự do của phương Tây.”
Theo ông Karaganov, không khác gì châu Âu, Nga cũng rất cần những cải cách quyết liệt để đối phó với các thách thức của thế kỷ 21: “Nga không nên vui mừng trước các vấn đề hiện tại của châu Âu, bởi vì châu Âu suy yếu có nghĩa là mô hình phát triển đã từng là mốc hướng tới đối với nước ta từ thời Peter Đại đế sẽ bị sụp đổ.
Tuy nhiên, do nhiều lý do, Nga vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc cải cách kinh tế đã chín muồi từ lâu. Nếu chúng ta không kiên quyết cải cách, sau này nước ta sẽ chịu nhiều mất mát trong sự cạnh tranh chính trị, kinh tế và quân sự chiến lược trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, mục tiêu phát triển vùng Viễn Đông và tiếp cận các nước châu Á là đúng đắn. Rất có thể vùng Viễn Đông sẽ là động lực phát triển kinh tế của Nga trong tương lai”.
Bất chấp thực tế rằng trong điều kiện toàn cầu hóa không thể tránh khỏi, các vấn đề trong nội bộ một nước không hiếm khi trở thành thách thức cho các quốc gia láng giềng, đôi khi cho một khu vực hoặc toàn bộ thế giới, ông Karaganov vẫn nhìn tới tương lai một cách lạc quan.
Theo ông Karaganov: “Nhờ có cuộc cách mạng thông tin, giới tinh hoa chính trị ở khắp mọi nơi, thậm chí kể cả chế độ độc tài đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào ý kiến công chúng. Và đó là một sức mạnh vĩ đại”.
Nguồn VOV