Một năm sau Abenomics, kinh tế Nhật lại gây thất vọng
Tin từ báo Wall Street Journal cho biết, những con số thống kê được công bố sáng nay (9/12) đặc biệt đáng lo ngại đối với Chính phủ Nhật và Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) vốn đang kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp tại thị trường trong nước để giữ tiến trình phục hồi đi đúng hướng. Sức mạnh ở hai mảng xuất khẩu và đầu tư được xem là giữ vai trò then chốt để đưa kinh tế Nhật vượt qua được những thử thách từ kế hoạch tăng thuế tiêu thụ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm sau.
Theo số liệu từ Văn phòng Nội các Nhật, trong quý 3, GDP của nước này tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 1,9% đưa ra trong lần công bố sơ bộ cách đây 3 tuần.
Số liệu này cho thấy, kinh tế Nhật đã giảm tốc mạnh so với nửa đầu năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP Nhật tăng 4%, vượt Mỹ và các nền kinh tế đang phát triển khác. Đến quý 3, kinh tế Mỹ đã vượt qua kinh tế Nhật về tốc độ tăng trưởng khi đạt mức tăng 3,6%.
Cũng theo thống kê vừa được công bố, cán cân vãng lai, thước đo rộng nhất về hoạt động thương mại của Nhật với thế giới, bất ngờ thâm hụt 127,9 tỷ Yên, tương đương 1,24 tỷ USD, trong tháng 10, so với mức thặng dư ước tính 420,8 tỷ USD. Số liệu này khiến giới quan sát phần nào thất vọng về hoạt động xuất khẩu của Nhật.
Bên cạnh đó, trong quý 3, vốn đầu tư cơ bản của các doanh nghiệp tại Nhật gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 0,7% đưa ra trong lần công bố trước.
Trong 6 tháng đầu tiên sau khi lên năm quyền cách đây 1 năm, chính sách chấn hưng tăng trưởng Abenomics của Thủ tướng Abe đã đẩy thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm mạnh, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân ở nước này gia tăng, hứa hẹn đưa kinh tế Nhật thoát khỏi quãng thời gian trì trệ kéo dài hàng thập kỷ.
Bên cạnh đó, với trọng tâm là hoạt động bơm tiền mạnh vào nền kinh tế của BoJ, Abenomics cũng khiến đồng Yên suy yếu, nhằm hỗ trợ lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật như Sony hay Toyota.
Tuy nhiên, các dữ liệu vừa công bố cho thấy, tiến trình phục hồi của kinh tế Nhật có vẻ như đã hẫng đà trong quý 3 vừa qua, khi mà thị trường chứng khoán chững lại và đồng Yên không còn giảm giá mạnh so với đồng USD như trước. Bên cạnh đó, sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi - đích đến cho 2/3 hàng hóa xuất khẩu của Nhật - cũng diễn ra mạnh hơn dự kiến.
Nguồn Vneconomy