Một loạt nước tuyên chiến với IS
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ sắp mãn nhiệm Didier Reynders, yêu cầu trợ giúp từ Chính phủ Iraq và việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường và mở rộng hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống lại IS trong cuộc họp hôm 19/9 vừa qua là cơ sở pháp lý để Bỉ cử máy bay tham chiến tại Iraq.
Bỉ sẽ điều 6 máy bay chiến đấu tham gia các cuộc không kích chống IS. Các máy bay này sẽ cất cánh tới căn cứ ở Jordan khoảng 2-3 ngày sau khi Quốc hội Bỉ thông qua quyết định, dự kiến vào ngày 26/9 tới.
Thời gian triển khai các máy bay F-16 của Bỉ tại nước láng giềng của Iraq ban đầu sẽ là 1 tháng, sau đó có thể kéo dài tùy theo tình hình.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, các chiến đấu cơ F-16 của nước này cũng sẽ tham gia ném bom vì tất cả số máy bay trên đều được trang bị hệ thống ném bom và hoạt động theo mệnh lệnh từ bộ chỉ huy trung tâm của liên minh quốc tế chống IS do Washington điều hành.
Ngoài ra, Bỉ cũng triển khai 3 nhóm đặc nhiệm gồm 35 binh sĩ làm nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ lực lượng quân đội Iraq cũng như các binh sĩ người Kurd.
Cùng ngày, trong động thái hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế của Chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống IS, Chính phủ Hà Lan cũng quyết định điều 6 máy bay chiến đấu, 2 máy bay dự bị cùng 250 phi công và nhân viên phục vụ để hỗ trợ Iraq đẩy lùi mối hiểm họa. Ngoài ra, Hà Lan cũng sẽ điều khoảng 130 chuyên gia đào tạo quân sự tới Iraq để huấn luyện cho các binh sĩ của nước này.
Lực lượng không quân của Hà Lan cũng sẽ đóng tại căn cứ ở Jordan. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert cho biết các máy bay chiến đấu và nhân viên quân sự của nước này sẽ thực hiện sứ mệnh tại Iraq dự kiến kéo dài 1 năm.
Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của Tehran trong cuộc chiến chống lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong vòng 35 năm qua, diễn ra bên lề khóa họp lần thứ 69 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức tại thành phố New York, Mỹ.
Cùng ngày, Thủ tướng Cameron cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp Iraq Haider Abadi, trong đó ông Abadi đã truyền tải đề nghị chính thức từ phía Chính phủ Iraq muốn Anh gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu chống IS.
Thủ tướng Anh đã tỏ rõ rằng một liên minh toàn cầu là cần thiết để đánh bại IS khi ông chuẩn bị triệu tập cuộc họp tại Hạ viện Anh vào cuối tuần này (26/9) để thảo luận và bỏ phiếu về kế hoạch không kích các cơ sở của IS tại Iraq.
Phát biểu trước đó, ông Cameron nhấn mạnh IS là mối đe dọa trực tiếp tới Anh: "IS đã tiến hành và đang chuẩn bị thêm các âm mưu tại châu Âu và những nơi khác, đặc biệt là tại Bỉ, ở Brussels. Và chúng cũng đang toan tính những mưu đồ khác, trong đó có mưu toan nhằm vào đất nước chúng ta... Đây là một cuộc chiến mà bạn không thể lựa chọn đứng ngoài."
Hiện các nghị sỹ Công đảng đối lập cũng tỏ dấu hiệu ủng hộ Chính phủ có hành động. Phát biểu ngày 24/9, Thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband nói rằng đảng của ông sẽ ủng hộ Anh tham gia các cuộc không kích với Mỹ nhằm vào các căn cứ của IS.
Phát biểu trên chương trình phát thanh Today của BBC, ông Miliband cho biết: "Chúng tôi để ngỏ hành động. Điều này cần được thực hiện rất nghiêm túc."
Theo giới quan sát, Thủ tướng Cameron muốn có sự đảm bảo ủng hộ từ phía Công đảng để tránh tình huống mà ông đã gặp phải năm ngoái, khi Hạ viện Anh bỏ phiếu bác kế hoạch của chính phủ về việc tấn công chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.
Bên cạnh đó, ông Cameron cũng ủng hộ một nghị quyết mới mà Mỹ vừa đệ trình Liên hợp quốc, theo đó áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với những chiến binh nước ngoài đang có ý định tham gia các cuộc xung đột ở hải ngoại. Hàng trăm công dân Anh hiện được cho là đang cầm súng cho IS tại Syria và Iraq.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng cảnh báo rằng Quốc hội phải "tiến bước" và cho phép tiến hành các cuộc không kích của Không lực Hoàng gia (RAF) chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Cho đến nay, RAF mới chỉ giới hạn các hoạt động của họ trong phạm vi cung cấp vũ khí và thiết bị cho các chiến binh người Kurd Peshmerga, thực hiện các sứ mệnh viện trợ nhân đạo và giám sát không phận miền Bắc Iraq.
Anh hiện có sáu máy bay chiến đấu Tornado thuộc RAFD đang đậu tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Akrotiri ở Cyprus. Các máy bay này đều được trang bị tên lửa Brimstone va bom Paveway IV và có thể cất cánh trong vòng vài phút./.
Nguồn Vietnam+