Morgan Stanley: Trung Quốc có thể nhấn kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái
Đó là dự đoán của Ruchir Sharma, phụ trách bộ phận thị trường mới nổi Morgan Stanley Investment Management và cho biết thêm, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại trong những năm tới có thể kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống dưới 2% - ngưỡng được Ruchir Sharma coi là tương đương suy thoái toàn cầu. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là cuộc suy thoái đầu tiên trong vòng 50 năm qua mà nguyên nhân không phải do kinh tế Mỹ sụt giảm.
“Suy thoái kinh tế toàn cầu lần tới nếu xảy ra thì nguyên nhân chính là Trung Quốc. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ là khởi nguồn của mọi bất ổn đối với kinh tế toàn cầu”, Ruchir Sharma nói.
Tuy tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, song ảnh hưởng của nước này vẫn tăng khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2014, Trung Quốc chiếm 38% tăng trưởng GDP toàn cầu, tăng từ 23% năm 2010, theo số liệu của Morgan Stanley. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu lớn nhất đồng, nhôm và bông, và là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước từ Brazil đến Nam Phi.
Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 3,3% từ 3,5% dự báo hồi tháng 4, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại. Mặc dù IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở 6,8%, thấp nhất kể từ năm 1990, nhưng cho biết rằng sự chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc đang gây mối nguy cho ự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Theo ông Sharma, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại khi nước này phải vật lộn với việc cắt giảm nợ. Chỉ cần nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tăng trưởng chậm lại thêm 2 điểm phần trăm là đủ để đẩy thế giới vào suy thoái.
Tăng trưởng GDP toàn cầu đã giảm xuống dưới 2% trong 5 giai đoạn khác nhau trong 50 năm qua, gần đây nhất là năm 2008-2009. Toàn bộ những cuộc suy thoái trước đây đều xảy ra khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Ông Sharma cho biết, ông sẽ tránh xa cổ phiếu Trung Quốc cũng như cổ phiếu của các thị trường phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, kể cả Brazil, Nga và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông này lại ủng hộ việc mua cổ phiếu của các công ty ở Đông Âu và một số nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Pakistan.
Đà tuộc dốc của chứng khoán Trung Quốc những tuần qua đã khiến giới đầu tư toàn cầu hoang mang. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 30% trong 4 tuần tính đến 8/6 đã khiến vốn hóa thị trường bốc hơi gần 4.000 tỷ USD.
Những biện pháp can thiệp thị trường vô tiền khoán hậu của Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư phải đến tận tuần trước mới phát huy hiệu quả sau khi giới chức trách cấm cổ đông lớn của công ty bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng và cho phép hơn ½ số công ty niêm yết tạm ngừng giao dịch.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg