Ảnh: AFP
Moody’s: Quả bom nợ doanh nghiệp Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” với kinh tế toàn cầu
CNBC dẫn lời nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody cảnh báo rằng, nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện là mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế toàn cầu.
“Tôi cho rằng nợ doanh nghiệp của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất”, ông nói và cho biết thêm rằng rủi ro này đang tăng rất nhanh.
Ông Zandi giải thích rằng, nhiều công ty đang phải chật vật để ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế do hậu quả từ cuộc chiến thương mại và các yếu tố khác.
“Mỹ cũng đang gặp tình hình tương tự, mặc dù mức độ khác nhau, song chúng ta đã chứng kiến tỷ lệ đòn bẩy của các công ty gia tăng, đặc biệt là việc vay nợ của công ty mắc nợ cao, vốn rất dễ bị tổn thương nếu nền kinh tế giảm tốc”, ông Zandi nói.
Nợ là vấn đề lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù nước này đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào vốn vay bằng cách thắt chặt các quy định để đẩy nhanh quá trình giảm đòn bẩy tài chính.
Tuy nhiên, nỗ lực giảm nợ của Trung Quốc đã gặp phải rào cản, khi nước này muốn kích thích nền kinh tế, vốn đang chậm lại do hậu quả từ cuộc chiến thương mại.
Năm 2019, Trung Quốc đã tạm dừng các nỗ lực giảm nợ và đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt đang làm tăng rủi ro với nền kinh tế Trung Quốc khi Bắc Kinh khuyến khích vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: WSJ |
Tuần trước Fitch cho biết, con số các công ty tư nhân ở Trung Quốc vỡ nợ đã đạt mức cao kỉ lục trong năm nay. Trong 11 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ vỡ nợ của trái phiếu bằng Nhân dân tệ của các doanh nghiệp Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 4,9%, trong khi năm 2014, con số này chỉ ở mức 0,6%.
Trong một báo cáo tháng 10, hãng này cũng chỉ nguyên nhân của điều này là do điều kiện tín dụng thắt chặt, xuất phát phát từ những nỗ lực giảm nợ của Chính phủ Trung Quốc.
"Khoảng 80% các vụ vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc tính theo số lượng và giá trị là của các công ty tư nhân, vốn dễ bị tổn thương hơn các doanh nghiệp nhà nước (SOE) trước các biến động của thị trường tài trợ bên ngoài. Do đó, họ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản và tái tài trợ cao hơn trong điều kiện thắt chặt tín dụng", báo cáo cho biết.
►Mỹ và Trung Quốc gia tăng vay nợ, nợ toàn cầu lại lên mức kỷ lục mới
►Nợ ngập đầu, các công ty Trung Quốc đẩy mạnh bán tháo tài sản ở nước ngoài
►Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu
Nguồn CNBC