Thứ Tư | 11/02/2015 17:43

Moody's: Giá dầu thấp sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế thế giới

Theo Moody's, giá dầu thấp sẽ duy trì trong cả 2015 nhưng sẽ không thúc đẩy mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn thế giới.

Phó Chủ tịch Marie Diron của Moody’s cho biết “Việc giá dầu thấp, theo chúng tôi cho rằng sẽ tiếp tục được duy trì, theo lý thuyết sẽ cung cấp một sự thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục dự báo cho nền kinh tế G-20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới). Đối với những nền kinh tế trong nhóm G-20, chúng tôi dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức dưới 3%/năm trong khoảng 2015-2016, không thay đổi so với dự báo trước đó của chúng tôi trong năm 2014.”

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Moody’s sự trên giả định giá dầu Brent thế giới ở mức 55 USD/thùng trong năm 2015.

Báo cáo trên của Moody’s kết luận rằng Mỹ và Ấn Độ “nằm trong những nước được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và những công ty tại các nước này đã tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào việc giá năng lượng giảm.” Moody’s dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% năm 2015 và 2,8% năm 2016.

“Đối với Ấn Độ, lạm phát cao là một nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế của nước này trong những năm gần đây và việc giá dầu giảm sẽ làm suy giảm tỷ lệ lạm phát tại nước này. Điều này sẽ đem lại một sự thay đổi theo hướng tích cực. Chúng tôi dự đoán rằng tăng trưởng GDP sẽ tăng từ 5% năm 2014 lên 7% năm 2016.”

Tin xấu cho một số nước

Trong khi những nền kinh tế tập trung vào người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá dầu thấp do suy giảm chi phí nhiên liệu và hàng hóa đồng thời khuyến khích người tiêu dùng thì một số quốc gia khác lại không như vậy.

Đối với những nước xuất khẩu dầu mỏ như Ả Rập Xê Út hay Nga, Moody’s cho rằng giá dầu thấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong đó nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy thoái cho đến năm 2017. Nước xuất khẩu dầu lớn nhất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Ả Rập Xê Út, được dự đoán sẽ tăng chi tiêu để giảm thiểu tác động từ giá dầu thấp, qua đó hỗ trợ nước này duy trì tăng trưởng kinh tế dương.

Một giàn khoan dầu đá phiến tại Bắc Dakota-Mỹ

Tại những nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc, thuế năng lượng cao hơn và việc chính phủ kiểm soát giá cả trong một số lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải sẽ “làm giảm tác động tích cực từ việc giá dầu thấp.” Theo Moody’s, giá dầu thấp “sẽ không ngăn chặn được sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, nhưng sẽ làm giảm nhu cầu thực hiện các chính sách kích thích kinh tế với mục đích ngăn chặn sự suy giảm mạnh hơn trong tăng trưởng kinh tế.”

Bên cạnh đó, “một loạt những yếu tố” sẽ kiềm chế những ảnh hưởng tích cực tuừ việc tăng thu nhập do giá dầu giảm tại một số nước nhập khẩu dầu như Nhật Bản, Brazil và khi vực Eurozone.

Tại những khu vực trên, tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với sự bất ổn về chính trị sẽ khiến hầu như những lợi nhuận từ giá dầu được dùng để tiết kiệm hơn là để chi tiêu.

Hãng Moody’s cũng dự đoán tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone sẽ đạt dưới 1% trong năm 2015 và tăng nhẹ lên trên 1% trong năm 2016.

Nguồn NDH