Chủ Nhật | 25/08/2013 08:39

Mối quan hệ giữa an toàn ngành ngân hàng và tăng trưởng kinh tế

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra không có bằng chứng nào cho thấy vốn ngân hàng cao hơn sẽ làm giảm khối lượng các khoản vay trong dài hạn.
Trước năm 2007, các ông chủ các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đóng góp ít nhất 3 cent trong cổ phần chung cho mỗi đồng USD trong bảng cân đối của ngân hàng. Tại thời điểm đó, các yêu cầu về vốn còn khá lỏng lẻo và các ngân hàng có thể thoải mái sử dụng nợ để mua bán quỹ.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính nổ ra, kéo theo đó là những hậu quả nghiêm trọng tàn phá thị trường việc làm và sự giàu có của nước Mỹ, đến lúc này các nhà quản lý mới vội vã tung ra hàng loạt quy định mới hòng siết chặt hoạt động sử dụng nợ của các ngân hàng, với mục tiêu ngăn chặn từ xa các cuộc khủng hoảng tài chính tương tự.

Tuy nhiên, trong một bài phân tích đăng tải trên tờ Financial Times, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Kansas, ông Thomas Hoenig, cho rằng việc ép các ngân hàng lớn nhất phải nắm giữ nhiều vốn hơn sẽ có tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Tháng trước, các nhà quản lý ngân hàng Mỹ đã đưa ra tiêu chuẩn vốn mới, trong đó giới hạn việc tự cấp tài chính thông qua các khoản nợ lớn của các ngân hàng lớn nhất. Với mỗi 1 USD tài sản và các cam kết bên ngoài bảng cân đối, các ngân hàng lớn nhất được yêu cầu phải nắm giữ ít nhất 6 cent, trong khi các công ty mẹ của những ngân hàng này cũng phải nắm giữ ít nhất 5 cent. Quy định mới về tỷ lệ đòn bẩy này chính là một cách hữu hiệu buộc các ngân hàng phải gia tăng đáng kể lượng vốn mà mình nắm giữ, qua đó tăng cường khả năng chịu đựng các cú sốc tài chính và tiếp tục duy trì hoạt động cho vay.

ngân hàng 1

Về căn bản, những yêu cầu mới về vốn đối với các ngân hàng hoàn toàn không quá nặng nề nếu so với quá khứ. Theo Financial Times, đầu thế kỷ 20, mức vốn của các tập đoàn tài chính lớn nhất thường ở mức cao hơn 15% giá trị tài sản, song đến năm 2007, tỷ lệ này giảm còn chưa đến 3% ở một số ngân hàng lớn nhất.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn nhất lại ra sức chống đối những yêu cầu này bằng cách đưa ra những lý do mang tính hù dọa công chúng. Lý do đầu tiên và cũng là lý do được sử dụng nhất đó là việc gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ buộc các ngân hàng phải cắt giảm hoạt động cho vay trong ngắn hạn, do đó sẽ ức chế sự phục hồi của nền kinh tế. Lý do này hoàn toàn sai, ông Thomas Hoenig khẳng định.

Sự gia tăng của các khoản nợ trên vốn sở hữu có thể tạm thời kích thích tăng trưởng tài sản trong ngắn hạn, song nó lại khiến các ngân hàng lớn - và nền kinh tế thực - dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc tài chính. Sẽ thật là vô nghĩa khi người dân phải mạo hiểm tiền gửi của mình cho một ngành ngành công nghiệp ngân hàng có đòn bẩy lớn song rủi ro cao, ông Thomas Hoenig nhận định.

Bên cạnh đó, khi xem xét lại các số liệu thực từ năm 1999 về mối quan hệ giữa mức độ vốn và hoạt động cho vay của 8 ngân hàng Mỹ có hệ thống toàn cầu, không có bằng chứng nào cho thấy yêu cầu vốn cao hơn sẽ làm giảm khối lượng cho vay của các ngân hàng trong dài hạn. Thực tế, các ngân hàng có vốn dày hơn sẽ có khả năng duy trì hoạt động cho vay tốt hơn trong suốt quá trình khủng hoảng - và đây mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Một lý do khác thường được viện ra đó là những yêu cầu về vốn sẽ tạo nên nên một sân chơi không đồng đều giữa các ngân hàng Mỹ và các ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, Thomas Hoenig cho rằng chẳng có bằng chứng nào chứng minh điều đó. Lấy các ngân hàng châu Âu làm ví dụ. Trong giai đoạn đầu của khủng hoảng tài chính, các ngân hàng châu Âu thậm chí còn dày vốn hơn cả các ngân hàng Mỹ, song kể từ đó đến nay họ hoàn toàn mất khả năng cho vay cũng như không thể tăng trưởng. Điều đó chứng minh một thực tế rằng các ngân hàng thành công nhất về dài hạn chính là những ngân hàng nắm giữ nhiều vốn hơn và tốt hơn các ngân hàng khác.

ngân hàng 2

Một số ngân hàng còn viện lý do rằng họ sẽ buộc phải đầu tư vào những tài sản rủi ro hơn để bù đắp những hậu quả từ việc phải nắm giữ nhiều vốn cổ phần cao hơn. Tuy nhiên, Hoenig cho rằng các ngân hàng đang bỏ qua một thực tế, đó là các nhà chức trách sẽ áp dụng bổ sung cả những yêu cầu vốn rủi ro trong Basel để bổ sung cho tỷ lệ đòn bẩy, qua đó làm giảm thiểu khả năng chênh lệch.

Cuối cùng, các ngân hàng lo ngại các yêu cầu vốn khắt khe hơn sẽ làm giảm lợi nhuận trên vốn cổ phần của họ, qua đó làm tổn thương khả năng thu hút vốn của ngành công nghiệp ngân hàng nói chung. Thomas Hoenig cho rằng nhận thức này hoàn toàn sai lầm. Theo Hoenig, vốn cổ phần, giống như nợ, là nguồn kinh phí để đầu tư và kiếm lợi nhuận. Khi khủng hoảng nổ ra, vốn cổ phần sẽ giúp hấp thu thiệt hại và giảm thiểu rủi ro tổng thể cho ngân hàng. Vốn cổ phần còn tăng cường mức độ tin cậy đối với nguồn lợi nhuận của ngân hàng, qua đó hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư hơn.

Kể từ năm 1980 đến 2007, rất ít bằng chứng cho thấy lãi suất cao sẽ giúp các ngân hàng tìm kiếm và thu hút vốn được nhiều vốn cổ phần hơn. Ngược lại, trong suốt giai đoạn này, các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chỉ có 7 đợt phát hành cổ phiếu phổ thông, một con số quá khiêm tốn, Hoenig chỉ ra.

Hơn nữa, kể từ năm 2007, khi lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, lượng vốn cổ phần mới của các ngân hàng lại tăng gấp 18 lần so với trước, đó là chưa tính tới việc chính phủ Mỹ buộc phải bơm tiền vào các ngân hàng để chống đỡ cho họ. Thậm chí ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng vẫn có khả năng thu hút vốn.

Kết thúc bài phân tích, Hoenig nhận định nước Mỹ đang có trong tay cơ hội ổn định nền tài chính bằng cách giúp các ngân hàng trở nên an toàn hơn. Điều đó sẽ khiến cả thế giới theo gót nước Mỹ và nền kinh tế toàn cầu một lần nữa sẽ tìm lại ánh hào quang mà nó đã có. Kinh tế Mỹ là nền kinh tế thị trường, trong đó vốn của các ngân hàng là một nguồn sức mạnh, chứ không phải là một gánh nặng, Hoenig khẳng định.

Nguồn FT/Dân Việt


Sự kiện