Thứ Bảy | 23/02/2013 20:32

Mỗi năm dân Mỹ nên bơm cho các ngân hàng 83 tỷ USD?

Thực ra thì các ngân hàng chẳng có lãi. Lợi nhuận chỉ là số tiền được chuyển từ người nộp thuế sang các cổ đông.
Phát biểu trên tivi, trong các cuộc phỏng vấn hay khi gặp mặt nhà đầu tư, giám đốc của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đặc biệt là CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - luôn luôn nhấn mạnh rằng qui mô chính là 1 lợi thế cạnh tranh.

Qui mô càng lớn có nghĩa là chi phí càng giảm xuống đồng thời qui mô cũng giúp thu hút thêm nhiều khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Họ cũng cảnh báo rằng hạn chế qui mô sẽ làm giảm lợi nhuận và làm vị thế của quốc gia trên bản đồ tài chính toàn cầu bị suy yếu.

Vậy thì, bạn sẽ nghĩ gì về nhận định này: theo tính toán, thực tế thì những ngân hàng lớn nhất ở Mỹ không hề có lãi. Thực chất, hàng tỷ USD lợi nhuận chỉ là 1 món quà từ những người nộp thuế?

Mặc dù đây là điều khó có thể chấp nhận, hãy thử tìm hiểu những lý lẽ ở phía sau. Các ngân hàng có 1 đặc quyền: được phép to lớn và cồng kềnh. Tuy nhiên, qui mô của ngân hàng càng lớn, sự sụp đổ càng trở nên nguy hiểm và do đó chắc chắn là các chính phủ phải tung gói cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp. Hệ quả là, chính các ngân hàng có nguy cơ rủi ro cao nhất lại là những ngân hàng có thể đi vay với chi phí thấp hơn, bởi người gửi tiền tin rằng chúng là “quá lớn để sụp đổ”.

Gần đây, các nhà kinh tế học đã cố gắng giải thích chính xác về mối quan hệ giữa khả năng ngân hàng nhận được cứu trợ và chi phí đi vay của ngân hàng đó. Hai nhà nghiên cứu Kenichi Ueda (chuyên gia đến từ IMF) và Beatrice Weder di Mauro (đến từ Đại học Mainz) đã lượng hóa mối quan hệ này và đưa ra 1 con số cụ thể. Theo đó, khả năng nhận được cứu trợ có thể giúp các ngân hàng lớn giảm 0,8 điểm phần trăm chi phí đi vay. Mức này áp dụng đối với tất cả các sản phẩm, gồm trái phiếu và tiền gửi.

0,8 điểm phần trăm và một con số khá nhỏ. Tuy nhiên, đây là mấu chốt tạo ra sự khác biệt rất lớn. Nếu nhân với tổng số nợ của 10 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ (xét theo tổng tài sản), con số lên đến 83 tỷ USD/năm. Con số này tương đương với việc chính phủ đưa cho các ngân hàng 3 cent trên mỗi đồng USD tiền thuế thu được.

5 ngân hàng lớn nhất - JPMorgan, Bank of America Corp., Citigroup Inc., Wells Fargo & Co. và Goldman Sachs Group Inc. – hiện đang được bơm 64 tỷ USD. Đây là mức tương đương với lợi nhuận hàng năm của các ngân hàng này. Nói cách khác, các ngân hàng với tổng tài sản lên đến 9.000 tỷ USD (bằng một nửa nền kinh tế Mỹ) sẽ chỉ hòa vốn. Lợi nhuận được chuyển từ người nộp thuế sang các cổ đông.

Cả các giám đốc ngân hàng và các cổ đông đều không có khả năng thay đổi tình trạng này. Ngược lại, hàng năm, ngành tài chính phải bỏ ra hàng trăm triệu USD cho các cuộc vận động hành lang nhằm duy trì các gói cứu trợ.

Câu trả lời nằm ở các nhà làm luật. Họ có thể thay đổi cuộc chơi bằng cách giảm cứu trợ. Ép các ngân hàng thu nhiều vốn hơn từ các cổ đông là 1 sự lựa chọn. Một cách khác là để mặc cho người gửi tiền bị lỗ khi ngân hàng gặp phải vấn đề. Ngăn không cho các ngân hàng sử dụng tiền cứu trợ để tài trợ các giao dịch đầu cơ cũng là 1 giải pháp và đây chính là mục tiêu của đạo luật Volcker.

Một khi các cổ đông có thể nhận thức đầy đủ rằng các ngân hàng lớn nhất yếu kém như thế nào khi không có sự trợ giúp của chính phủ, họ mới có động lực để yêu cầu những điều tốt đẹp hơn, mặc dù có thể các giám đốc ngân hàng sẽ không hài lòng với kỷ luật của thị trường.

Nguồn CafeF


Sự kiện