Tại châu Á, nợ bằng ngoại tệ được ưa chuộng hơn so với nợ bằng nội tệ do lãi suất thấp.

 
Hải Miên Thứ Hai | 07/11/2022 14:14

Mối lo nợ ngoại tệ của châu Á

Thị trường giờ đây đang tập trung chú ý vào tình trạng giảm dự trữ ngoại hối diễn ra trên khắp châu Á.

Việc một loạt các loại tiền châu Á rớt giá đã dấy lên lo ngại trong thị trường tài chính toàn cầu về gánh nặng nợ tăng giữa các chính phủ khu vực và những doanh nghiệp đi vay.

Các nước châu Á hiện tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn Mỹ cùng với cán cân thương mại ngày càng xấu đi, đã khiến một số đồng tiền châu Á mất giá từ 10% trở lên so với USD kể từ cuối tháng 3.

Đồng won của Hàn Quốc đã giảm 17% so với USD trong 7 tháng đầu năm. Đồng peso của Philippines giảm 12%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 10%, xuống dưới mức trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.

Trong khi đó, Chính phủ và doanh nghiệp tại các nền kinh tế đang phát triển thường có nhiều khoản vay bằng đồng USD hoặc các ngoại tệ khác. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 70% trong tổng nợ ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan là bằng ngoại tệ. Ở Philippines, tỉ lệ này lên tới 97%.

 

Tại châu Á, nợ bằng ngoại tệ được ưa chuộng hơn so với nợ bằng nội tệ do lãi suất thấp. Ngoài ra, nợ bằng ngoại tệ có cơ hội thu hút nhà đầu tư tốt hơn nhờ giảm được rủi ro tỉ giá hối đoái. Số tiền huy động được bằng việc phát hành trái phiếu thường được chuyển đổi thành nội tệ. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, cần phải chuyển đổi lại sang ngoại tệ. Do đó, khi đồng nội tệ suy yếu, chính phủ và các doanh nghiệp phải mất nhiều tiền hơn để trả nợ.

Trong bối cảnh lo ngại các nghĩa vụ nợ sẽ tăng lên, tỷ lệ hoán đổi nợ tín dụng (Credit default swap) đã tăng, tỉ lệ này đóng vai trò là thước đo cho mối quan tâm về việc không trả được nợ.

Phí hoán đổi rủi ro tín dụng 5 năm với trái phiếu chính phủ nhiều nước đã bắt đầu tăng lên. Mức phí này ở Philippines là 1,3% và Indonesia là 1,4%, gấp hơn hai lần so với cuối tháng 3 và là mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Tại Hàn Quốc, phí hoán đổi rủi ro tín dụng với trái phiếu Chính phủ đã tăng lên 0,7%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

 

Mức phí tương tự với trái phiếu doanh nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này. Phí hoán đổi rủi ro tín dụng đối với trái phiếu của 40 công ty lớn châu Á, không tính Nhật Bản, đã tăng lên mức cao nhất 11 năm là 2,3%. 

Thị trường chứng khoán châu Á cũng chịu ảnh hưởng. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm 28% so với cuối năm 2021, trong khi chỉ số MSCI thế giới giảm 18%.

Giới phân tích nhận định, xu hướng đi xuống của thị trường cổ phiếu cùng với gánh nặng nợ tăng lên khiến các công ty khó huy động vốn hơn để đầu tư cho phát triển. Với các nhà đầu tư quốc tế giao dịch mua bán bằng đồng USD, các tiền tệ châu Á mất giá đồng nghĩa lợi nhuận bằng đồng USD cũng giảm xuống.

Châu Á là trung tâm sản xuất của thế giới, do đó, việc các đồng tiền trong khu vực này suy yếu thường thúc đẩy xuất khẩu và giúp lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên. Tuy nhiên, làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu thổi bùng nỗi lo suy thoái lại làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp công nghệ thường dễ bị tổn thương khi nền kinh tế suy yếu. Chỉ số chứng khoán Đài Loan, gồm nhiều cổ phiếu công nghệ, hiện đã giảm 29% so với thời điểm cuối năm 2021. Còn chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm 23% trong cùng kỳ.

Theo dự báo của các nhà phân tích, các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá trong tương lai gần. Thị trường giờ đây đang tập trung chú ý vào tình trạng giảm dự trữ ngoại hối diễn ra trên khắp châu Á.

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm khoảng 12% so với mức đỉnh vào tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, dự trữ của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh gần nhất.

Riêng Thái Lan ghi nhận dự trữ ngoại hối giảm 30% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 12/2020 và giảm 20% so với cuối năm 2021. Đây được cho là kết quả của việc Chính phủ nước này can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ đồng Baht.

Ngoài ra, thị trường tài chính châu Âu đang dần ổn định sau khi ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng mới của Anh. Điều này có thể gây thêm áp lực đối với các đồng tiền châu Á khi giới đầu tư chuyển hướng bán tháo ở châu Âu sang khu vực châu Á - theo nhận định của ông Eiichiro Tani, chiến lược gia trưởng của Daiwa Securities.

Có thể bạn quan tâm: 

Tại sao Trung Quốc sẽ không “giải cứu” ngành bất động sản của nước mình?

Nguồn Nikkei Asia