Ấn Độ đã vượt qua 30 triệu ca nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ảnh: AFP.

 
Minh Duy Thứ Năm | 24/06/2021 09:55

Mối lo ngại gia tăng khi biến thể Delta Plus xuất hiện ở nhiều bang Ấn Độ

Ngay cả khi Ấn Độ phục hồi sau đợt COVID-19 thứ hai, thì biến thể Delta Plus hiện đang gây lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ ba tại nước này.

Sự xuất hiện biến thể mới

Theo Hindustan Times, Bộ trưởng Y tế Liên bang Ấn Độ Rajesh Bhushan cho biết một biến thể mang tên “Delta-plus” đã được tìm thấy trong ít nhất 22 ca nhiễm COVID-19 do biến thể ở các bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Delta-plus có khả năng lây nhiễm cao đã được chính phủ Ấn Độ dán nhãn là "biến thể đáng lo ngại".

Bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị bên trong một khu bệnh nhân ở một bệnh viện tại New Delhi. Ảnh: Reuters.
Bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị bên trong một khu bệnh nhân ở một bệnh viện tại New Delhi. Ảnh: Reuters.

Quyết định này được công bố vào ngày 22.6, sau khi các nhà khoa học làm việc tại một tổ hợp các phòng thí nghiệm giải trình tự gen cho thấy biến thể mới dễ lây truyền hơn, khả năng liên kết mạnh hơn với các tế bào phổi và khả năng kháng điều trị bằng các kháng thể đơn dòng.

Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình đã khuyến cáo các bang trên thực hiện "các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức" tại các quận và cụm nơi ghi nhận các biến thể Delta-plus. Các biện pháp được đề xuất bao gồm ngăn chặn đám đông và sự tiếp xúc của người dân, kiểm tra rộng rãi và truy tìm nhanh chóng cũng như tiêm chủng mở rộng.

"Chính phủ Ấn Độ đã gửi một lời khuyên đến các bang này về phản ứng sức khỏe cộng đồng của họ. Các biện pháp, mặc dù vẫn giữ nguyên như đã thực hiện trước đó, nhưng chính quyền các bang phải tập trung và hiệu quả hơn”, Tiến sĩ VK Paul, một thành viên của một tổ chức tư vấn chính sách của chính phủ Ấn Độ cho biết.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng đã chỉ đạo 3 bang "nhanh chóng" gửi đầy đủ các mẫu xét nghiệm dương tính đến các phòng thí nghiệm của chính phủ để nghiên cứu thêm về dịch tễ học.

Biến thể mới được gọi là Delta với đột biến K417N, đã được tìm thấy ở một số quốc gia khác, bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nepal, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các trường hợp được báo cáo này đến từ Mỹ, Anh và Bồ Đào Nha.

Cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu công khai nào về hiệu quả của các loại vaccine hiện đang được sử dụng ở Ấn Độ chống lại Delta Plus. Chính phủ nước này cam kết sẽ chia sẻ thông tin ngay khi có thể.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng biến thể Delta Plus có thể kích hoạt làn sóng COVID-19 thứ ba ở Ấn Độ.

Trong khi đó, quốc gia này hôm 23.6 đã báo cáo 50.848 ca nhiễm COVID-19 mới và 1.358 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm của quốc gia Nam Á hiện là hơn 30 triệu người và số người chết là 390.660 người.

Biến thể Delta Plus là gì?

Biến thể Delta Plus mang đột biến K417N có liên quan đến đặc tính thoát miễn dịch tốt hơn. Sự đột biến đã được báo cáo trong biến thể Beta, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi. Nó có thể làm cho vaccine hoạt động kém hiệu quả hơn.

Sự xuất hiện của K417N trong biến thể Delta rất dễ lây lan, vốn đã là một biến thể đáng lo ngại và đang trở thành chủng virus thống trị toàn cầu.

Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, biến thể Delta Plus có khả năng lây truyền cao, với khả năng liên kết mạnh mẽ với các tế bào phổi và khả năng kháng điều trị bằng các kháng thể đơn dòng. Tuy nhiên, họ cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định xem nó có nguy hiểm hơn biến thể Delta ban đầu hay không.

Hiện, 2 dòng biến thể Delta Plus được báo cáo là Delta-AY1 và Delta-AY2. Delta-AY1 hiện đang phổ biến hơn trên toàn cầu.

Một số báo cáo cho rằng biến thể Delta Plus đã được xác định sớm nhất là vào tháng 3 ở châu Âu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một chủng virus Sars-CoV-2, loại virus Corona gây ra COVID-19, là một biến thể gây ra sự lây truyền trong cộng đồng hoặc nhiều trường hợp, hoặc đã được phát hiện trong nhiều quốc gia. 

 

Một biến thể đáng quan tâm là biến thể cho thấy bằng chứng về khả năng lây truyền và độc lực cao hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn khiến người bệnh phải nhập viện và gây tử vong.

Có thể bạn quan tâm:

Giải mã sự trái ngược ở hai nước tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất thế giới