Kim Minh Thứ Ba | 26/12/2017 09:00

Mọi hãng đồ chơi đều đổ về Trung Quốc

Các nhà sản xuất đồ chơi thế giới lần này tìm đến Trung Quốc không phải để sản xuất, mà là tìm thị trường tiêu thụ.

Dịp Noel này, trẻ em trên toàn thế giới háo hức  thức dậy để tìm đồ chơi trong những đôi vớ hay treo trên cành cây thông. Những ông bố, bà mẹ sẽ kể câu chuyện về các ông già Noel râu tóc bạc phơ, cưỡi tuần lộc và mang món quà dễ thương tới cho những đứa bé ngoan ngoãn.

Sự thật, tất nhiên, không phải như vậy. Kho hàng đồ chơi của thế giới thực sự không phải ở Bắc Cực mà là ở Trung Quốc.

Theo The Economist, Trung Quốc đã xuất khẩu 44 tỷ USD đồ chơi vào năm 2016, với trị giá 25 tỷ USD dành cho thị trường Mỹ, 4 tỷ USD cho thị trường Nhật và 4 tỷ USD cho thị trường Anh.

Trung Quốc hiện có hơn 10.000 nhà sản xuất đồ chơi với khoảng 6 triệu nhân công đang làm việc trong lĩnh vực này.

Tại bốn địa phương trọng điểm của ngành sản xuất đồ chơi là Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải đã hình thành nên 20 khu công nghiệp sản xuất đồ chơi, doanh số bán hàng bình quân của một doanh nghiệp đầu ngành cũng đã vượt quá 10 tỷ nhân dân tệ (trên 1,4 tỷ USD).

Từ năm 2011 đến năm 2015, đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc chiếm tới 73% tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc đã chi phối sản xuất đồ chơi hàng thập kỷ, nhưng áp lực của thị trường ngày càng tăng. Mức lương tăng cao đang bóp méo lợi nhuận, khiến một số nhà sản xuất phải di dời sản xuất sang Ấn Độ hoặc Việt Nam, nơi mà lao động rẻ hơn.

Các công ty khác từ các nước nhập khẩu đồ chơi, mong muốn giảm chi phí vận chuyển và đáp ứng nhanh hơn để thay đổi nhu cầu, đang đưa sản xuất trở về quê nhà. Năm nay Hasbro, nhà sản xuất súng Nerf và Transformers, thông báo rằng nó sẽ bắt đầu sản xuất sản phẩm đất sét nhiều màu của Play-Doh ở Mỹ lần đầu tiên trong hơn một thập niên.

Moi hang do choi deu do ve Trung Quoc
Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong đồ chơi xuất khẩu của thế giới.

Với doanh số bán hàng chậm lại ở nhiều nước giàu, các nhà sản xuất đồ chơi đến Trung Quốc không chỉ để làm đồ chơi mà còn để bán hàng. Lego, một công ty đồ chơi của Đan Mạch, dự định mở cửa hàng tại 40 thành phố của Trung Quốc trong những năm tới. Tháng 2, Mattel, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đã ký hợp đồng với Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, để giúp bán những chiếc búp bê Barbie và xe Hot Wheels cho người tiêu dùng địa phương.

Chiến lược đó có vẻ hợp lý. Việc chấm dứt chính sách một con của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng doanh thu hàng năm bằng 75 tỷ nhân dân tệ (11,5 tỷ USD). Euromonitor, một nhà tư vấn bán lẻ, cho biết, các bậc cha mẹ Trung Quốc chi tiêu ít hơn 45 USD mỗi năm cho đồ chơi và trò chơi cho con cái của họ, so với 330 USD với Nhật Bản. 

Vì thế, thị trường đồ chơi ở Trung Quốc vẫn là mảnh đất màu mỡ cho những ông già Noel kiếm tiền.