Mọi điều bạn muốn biết về khủng hoảng nợ Hy Lạp
Hai bên liên tục bất đồng với việc con nợ (Hy Lạp) cho rằng mình sẽ không thể tăng trưởng được với khối nợ hiện có, trong khi các chủ nợ (IMF, ECB và các nước thành viên eurozone) vẫn muốn được trả nợ. Tổng nợ công của Hy Lạp tính đến cuối quý I/2015 đạt 313 tỷ euro (356 tỷ USD).
Dưới đây là những điều có thể bạn muốn biết về khủng hoảng nợ tại quốc gia Địa Trung Hải này ở dạng hỏi đáp.
Hy Lạp muốn gì?
Một thỏa thuận bao gồm “việc tái cơ cấu nợ công nhằm đặt dấu chấm hết cho vòng luẩn quẩn của 5 năm qua trong bối cảnh nước này liên tục phải tiếp nhận các khoản nợ mới để thanh toán các khoản nợ cũ”.
Giống như yêu cầu công ty phát hành thẻ tín dụng xóa bỏ số dư?
Không hẳn như vậy. Hy Lạp đã đề xuất các giải pháp thay thế, kể cả việc đưa khoản nợ phải trả vào mức tăng trưởng, biện pháp hoãn trả nợ tạm thời, và hoán đổi nợ.
Các chủ nợ muốn gì?
Sau 2 vòng cứu trợ vào năm 2012, các chủ nợ cho biết, họ sẽ cân nhắc, nếu cần thiết, các điều khoản trả nợ dễ dàng hơn đối với các khoản nợ cứu trợ, kể cả cắt giảm lãi suất. Đề xuất này phụ thuộc vào việc Hy Lạp có đáp ứng được một số điều kiện nhất định, kể cả duy trì thặng dư ngân sách khi thanh toán lãi, hay không.
Hy Lạp có thể đòi hỏi nhiều hơn không?
Các chủ nợ cho biết sẽ không chưa bàn đến gói cứu trợ bổ sung trước khi Hy Lạp tuân thủ các điều khoản đính kèm các khoản cho vay khẩn cấp. Ưu tiên cao nhất bây giờ là Hy Lạp phải đáp ứng các điều kiện về việc giải ngân từng phần khoản cứu trợ nhằm tránh vỡ nợ.
Tại sao chủ nợ sẽ không nhượng bộ?
Mặc dù cam kết cứu trợ của các chủ nợ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hy Lạp thông qua thỏa thuận mới với các biện pháp khắc khổ, nhưng các chủ nợ cũng phải trả lời người đóng thuế.
Ai đang là chủ nợ lớn nhất?
Quỹ Bình định Tài chính châu Âu (EFSF), quỹ chống khủng hoảng của khu vực eurozone, đã cho Hy Lạp vay 130,9 tỷ USD, và hiện là chủ nợ lớn nhất của nước này.
Hy Lạp đang nợ các nước thành viên khu vực đồng tiền chung 52,9 tỷ euro và nợ IMF 20 tỷ euro.
ECB không tham dự vào?
ECB và ngân hàng trung ương các nước eurozone là trường hợp đặc biệt. Hiện các tổ chức này đang nắm giữ 27 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp. Hơn nữa, các tổ chức này cũng hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp với 118 tỷ USD thanh khoản - không tính vào tổng nợ của Hy Lạp.
Hy Lạp nợ các chủ nợ khác bao nhiêu?
Sau khi tái cấu trúc và mua lại nợ năm 2012, các nhà đầu tư tư nhân hiện đang nắm giữ 40 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp.
Việc thanh toán nợ cho EFSF khó khăn ở mức nào?
Lãi suất mà Hy Lạp được hưởng bằng mức lãi suất của các nước xếp hạng AAA. Hơn nữa, Hy Lạp cũng chưa phải trả nợ gốc cho đến năm 2023 và được hoãn trả lãi. Thời gian đáo hạn bình quân các khoản nợ của EFSF là khoảng 31 năm với khoản thanh toán cuối cùng vào năm 2053, theo thông tin trên trang web của EFSF.
Khoản nợ IMF thì sao?
Phần lớn các khoản nợ Hy Lạp phải trả đến năm 2019 là thanh toán cho IMF - về nguyên tắc không thể tái cơ cấu được. Lãi suất không cố định mà phụ thuộc vào số nợ gốc và thời gian trả nợ. Lãi suất bình quân dao động 3-4%.
Vậy, điều gì sẽ xảy ra?
Cả 2 bên [Hy Lạp và chủ nợ] đều đang tham gia vào trò chơi song đề tù nhân và vẫn chưa rõ bên nào sẽ rút lui trước. Tuy vậy, vẫn còn một giải pháp khác. Oliver Blanchard, kinh tế trưởng IMF, hôm 14/6 đã đề xuất một thỏa hiệp:
Hy Lạp có thể được yêu cầu đưa ra các biện pháp đáng tin cậy để đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách ở mức thấp hơn và “cho thấy cam kết” cải cách sâu rộng hơn.
Đổi lại, các chủ nợ sẽ “đồng ý cung cấp khoản tài chính bổ sung và gói cứu trợ đủ để duy trì sự ổn định nợ”.
Phan Nguyễn
Nguồn Bloomberg