Mọi con đường tơ lụa đều dẫn đến Trung Quốc!
Thung lũng Horgos giáp biên giới với Kazakhstan, nơi quá cảnh của các thương gia, sẽ là nơi mà Trung Quốc đang thực hiện hóa tham vọng này với việc biến nó thành một trung tâm kinh tế mới nhất.
Horgos có diện tích lớn gấp hai lần so với thành phố New York của Mỹ, nhưng chỉ có 85.000 người sinh sống và được biết đến với những cánh đồng hoa oải hương.
Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu xây dựng Horgos thành một trung tâm xe lửa, năng lượng và logistics quốc tế theo chiến lược "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" công bố năm 2013 với các tuyến đường giao thông và thương mại huyết mạch mới nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu.
Dù vậy Horgos cũng chỉ là một con tốt trong tham vọng lớn hơn của Trung Quốc là siết chặt các khu vực bao quanh thông qua các đường ống vận chuyển, các con đường giao thông, các tuyến đường sắt và cảng biển, theo nhận định của các nhà ngoại giao và các chuyên gia phân tích.
Để thực hiện tham vọng đó, Trung Quốc đã thảo luận lập một Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á trị giá 50 tỉ USD, lập Quỹ con đường tơ lụa 40 tỉ USD và thiết lập thỏa thuận mậu dịch tự do châu Á Thái Bình Dương, cam kết viện trợ và đầu tư thông qua các công ty của nước này vào khu vực.
Theo như phát biểu của chủ tịch Tập Cận Bình, kế hoạch của Trung Quốc là thúc đẩy và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực nhằm giúp hoàn thành "giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương", cũng như trẻ hóa Trung Quốc.
Hơn nữa, tham vọng này cũng là một phần để củng cố sức mạnh của Trung Quốc sau những bước đi quân sự gần đây gây căng thẳng trong khu vực, và cũng là để nhắn nhủ thông điệp tới Mỹ về chiến lược "đối trọng châu Á" trong bối cảnh Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á. Trung Quốc muốn các nước trong khu vực hiểu rằng lợi ích của họ là công nhận Trung Quốc như một cường quốc số một của châu Á.
Con đường tơ lụa của Trung Quốc vẽ lại một trật tự châu Á mới, trọng tâm sẽ là Bắc Kinh, sẽ được đưa vào thảo luận trong hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), bao gồm sự tham dự của Tổng thống Mỹ- Barack Obama, diễn ra vào thứ ba tuần này tại ngoại ô Bắc Kinh.
Hội nghị sẽ tập trung các vấn đề như thường lệ là đầu tư và thương mại giữa 21 nước thành viên và lần đầu tiên sẽ đưa "kế hoạch kết nối khu vực" vào bàn thảo.
Trước đó, vào thứ bảy tuần rồi, chủ tịch Tập Cận Bình đã có một cuộc trao đổi riêng với lãnh đạo các nước Pakistan, Myanmar và 5 quốc gia không thuộc khối APEC về việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, kế hoạch này được dự báo sẽ gây ra một làn sóng tranh luận gay gắt giữa các nhà lãnh đạo phương Tây và châu Á. Một số nước hoan nghênh, nhưng cũng có nhiều nước không đồng tình.
Một số nhà lãnh đạo phương tây lo ngại rằng việc đổ ra một lượng tiền lớn của Trung Quốc vào đầu tư sẽ làm giảm đi vai trò của các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng thế giới.
Trước thời điểm Hội nghị APEC, Mỹ cũng đã cố gắng ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại khu vực, Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương bởi nó mâu thuẫn với Hiệp định Đối tác chiến lược Xuyên Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng vận động hành lang chống lại việc tham gia của một số nền kinh tế lớn vào tổ chức Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng thành lập trong tháng 10 vừa qua bởi Trung Quốc và 20 quốc gia khác để thay thế vai trò của Ngân hàng Thế giới vốn được thống trị bởi Mỹ và Ngân hàng phát triển châu Á được điều hành bởi Nhật.
Kể từ khi lên nắm chính quyền, chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ nhằm củng cố vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Chính ông Tập là người đề xuất chiến lược Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trong chuyến công du các nước Trung Á vào tháng 9/2013. Ông kêu gọi xây dựng một hành lang giao thông nối liền Thái Bình Dương với biển Baltic, đồng thời nối Đông Á với Nam Á và Trung Đông để phục vụ cho một thị trường liên kết với khoảng 3 tỉ người.
Không ngừng lại ở đó, chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra chiến lược Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 (21st-Century Maritime Silk Road), theo đó, xây dựng, hoặc mở rộng các hải cảng, các khu công nghiệp ở Đông Nam Á, Sri Lanka, Kenya và Hy Lạp.
Hồi tháng 5 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn trong một bài phát biểu tại một hội nghị của các nhà lãnh đạo khu vực diễn ra tại Bắc Kinh khi nói về "khái niệm an ninh châu Á mới". Theo đó, ông Tập đề cập đến việc người dân châu Á nên tự điều hành, tự giải quyết các vấn đề và tự duy trì an ninh trong khu vực. Ông cũng kêu gọi các nước châu Á thúc đẩy quá trình phát triển chung và hội nhập khu vực.
Dù không đề cập đến Mỹ, nhưng người dân Trung Quốc và các chuyên gia phân tích phương tây thừa hiểu rằng ông gửi thông điệp đến Washington nên chấp nhận vai trò nhỏ hơn ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên, việc cam kết, hứa hẹn đầu tư vào các nước có được đảm bảo hay không vẫn còn phải bàn vì trong quá khứ Trung Quốc cũng từng gặp thất bại.
Điển hình như việc triển khai các dự án vào Myanmar, trong đó có có dự án xây đập ngăn nước trị giá 3,6 tỉ USD đã bị treo vào năm 2011, còn việc xây dựng tuyến đường sắt vào Pakistan cũng không thể thực hiện do những bất ổn chính trị.
Nhưng dù vậy, Trung Quốc vẫn cam kết đầu tư mới. Năm ngoái, một công ty nhà nước Trung Quốc đã hợp tác để phát triển một cảng nước sâu và một khu công nghiệp tại Kuantan, Malaysia. Còn năm nay, công ty nhà nước này thông qua một công ty con đầu tư 1 tỉ USD vào một nhà máy sản xuất thép ở đó, một dự án mà cả hai nước xem như một phần của Con đường tơ lụa hàng hải mới.
Trong chuyến công du các nước châu Á hồi tháng 9/2013, ông Tập cũng dự lễ khánh thành một thành phố cảng tại Colombo, thủ đô của Sri Lanka với vốn tài trợ 1,4 tỉ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã giám sát việc khởi công xây dựng một hạng mục mới của hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt qua Tajikistan và Kyrgyzstan bằng vốn của Trung Quốc.
Những việc làm của Trung Quốc không phải là để củng cố những nỗ lực khẳng định chủ quyền, mà để khẳng định Trung Quốc là một đồng minh hỗ trợ phát triển trong bối cảnh một số nước châu Á đang tự hỏi liệu Mỹ có đủ khả năng để bảo lãnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và an ninh quân sự trong khu vực hay không.
Năm 2011, bà Hillary Clinton khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã đề xuất "Sáng kiến Con đường tơ lụa mới" với mục tiêu cải thiện hệ thống kết nối giao thông Afghanistan với các nước Trung và Nam Á, nhưng tiến độ rất chậm.
Ngược lại, Trung Quốc có đủ các nguồn lực để thực hiện kế hoạch này. Horgos sẽ là con át chủ bài chiến lược.
Horgos đã có những thay đổi trong vài năm trở lại đây. Đã có đường ống dẫn dầu nối từ Turkmenistan đến Trung Quốc. Năm 2012, một tuyến đường sắt xuyên biên giới cũng đã hoàn tất và một khu vực tự do thương mại trải rộng qua biên giới được hình thành.
Trung Quốc đã nâng cấp Horgos lên thành phố trong tháng 9 vừa qua và trao quyền hạn lớn hơn cho chính quyền địa phương. Hiện trên các bản đồ chính thức cũng như qua các báo cáo thì Horgos được coi như là thành phố cảng chính của Trung Quốc trong Vành đai kinh tế con đường tơ lụa.
Ông Wu Hao, Phó giám đốc khu vực tự do thương mại Horgos cho biết chính phủ đã đầu tư 20 tỉ NDT (3,25 tỉ USD) vào thương mại khu vực, tập trung chủ yếu vào 5 thị trường bán buôn- nơi mà các thương nhân Kazakh mua các mặt hàng như lốp xe, lông thú, điện tử và các mặt hàng tiêu dùng khác của Trung Quốc.
Cũng theo ông Wu, một khách sạn hạng sang và một trung tâm triển lãm đang được xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2017. Ngoài ra thành phố này cũng đã có nhiều biệt thự phức hợp, khu công nghiệp, cửa khẩu và nhà ga mới.
Hiện, đã có nhiều chuyến hàng được vận chuyển bằng tàu hỏa từ Trung Quốc đi Kazakhstan và Nga để đến cảng Duisburgcủa Đức. Việc vận chuyển chỉ mất 15 ngày trong khi vận chuyển bằng tàu biển mất đến 40 ngày.
Từ một khu vực ít ai biết đến, Horgos đang thay da đổi thịt để trở thành trung tâm kinh tế mới của Trung Quốc.
Nguồn Theo DVO/wsj