Thứ Ba | 10/09/2013 20:17

Mỏ vàng dầu khí Myanmar chờ đón nhà đầu tư

Hàng trăm triệu mét khối khí tự nhiên và hàng loạt ưu đãi đầu tư đang chờ đón nhà đầu tư tiến vào lĩnh vực dầu khí tại Myanmar.

Dòng khí đốt nhiên liệu đầu tiên đã bắt đầu lưu thông trong đường ông dẫn khí từ Mandalay, phía bắc Myanmar đến Trung Quốc hơn 1 tháng trước.

Đối với Trung Quốc, đây là kênh nhiên liệu mới có thể giải quyết cho cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng trong ngành công nghiệp nước này. Dù biết đằng sau nỗ lực bám trụ vào “mỏ vàng” này, Trung Quốc còn che giấu những tham vọng khác trong cục diện Đông Nam Á, nhưng Myanmar cũng không thể phủ nhận, đường ống dẫn khí này sẽ là cách để “mảnh đất vàng cuối cùng” của châu Á đánh thức dậy nguồn tài nguyên vẫn đang “nằm im” chờ đợi các nhà đầu tư.

Đường ống dẫn khí đốt Myanmar - Trung Quốc.
Đường ống dẫn khí đốt Myanmar - Trung Quốc.

Mỏ "vàng" dầu khí

Myanmar là một trong số hiếm hoi những quốc gia trên thế giới được thiên nhiên ưu ái nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, không chỉ hỗ trợ cho hầu hết các ngành sản xuất khác mà còn đem về nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Tiềm năng về dầu mỏ khí đốt được cụ thể bằng những con số, với 15 khối dầu khí ngoài khơi, trong đó có 6 khối nằm bên trong thềm lục địa và 9 khối còn lại nằm dưới biển sâu, có 35 lô dầu chưa được khai thác trên đất liền và 19 lô dầu đang được thăm dò và khai thác.

Theo CIA World Factbook, Myanmar có thể có 283 triệu mét khối khí tự nhiên mà phần lớn nằm ở ngoài khơi. Còn theo nghiên cứu của Công ty dầu khí Myanmar, nước này có thể có lượng dầu mỏ dự trữ vào khoảng 206 triệu thùng, một con số khổng lồ có thể đưa Myanmar lên đứng thứ 10 thế giới về trữ lượng dầu khí.

Với xuất phát điểm từ 25.000 thùng dầu mỗi ngày, nhưng gần như toàn bộ xăng dầu để sử dụng tại Myanmar lại đến từ quá trình nhập khẩu. Nguyên nhân chính là do ngành công nghiệp lọc dầu vốn đã già nua của đất nước này vẫn đang “khát” đầu tư nước ngoài.

Những luồng gió mới sau cấm vận

Hai năm trở lại đây, sau khi đa phần điều khoản cấm vận đều đã được Liên minh châu Âu và Mỹ dỡ bỏ, nền kinh tế Myanmar cũng bắt đầu mở cửa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.

Chính quyền dân sự mới của Myanmar đang thổi những luồng gió mới vào chính sách kêu gọi đầu tư để không chỉ tận dụng nguồn tài nguyên sẵn cố, dòng vốn nước ngoài, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho hàng ngàn người nghèo đói, phát triển nguồn nhân lực và thị trường còn không ít yếu kém.

Chính vì vậy, Myanmar đã thúc đẩy cải cách và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 12/2010, đã có 104 dự án đầu tư nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí được chính phủ Myanmar cấp phép, với tổng vốn đầu tư đạt 13,81 tỷ USD, chiếm 38,3 % tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tổng số 12 lĩnh vực kinh tế chính của Myanmar.

Trong đó, có 10 nước đã đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí tại Myanmar xếp theo số vốn đầu tư là: Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Anh, Canada, Indonesia, Malaysia, Nga, Hàn Quốc, Việt Nam. Trước bối cảnh nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đang “nhòm ngó”, Myanmar đã phê chuẩn sáng kiến Minh bạch hóa Ngành công nghiệp khai thác (EITI). Khi có một cơ chế quốc tế cho việc quản lý các nguồn đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu mỏ và khí đốt thì người dân cũng sẽ được hưởng lợi nhuận từ các hoạt động kinh tế này của đất nước.

Tiềm năng khí đốt của Myanmar chủ yếu nằm trong lòng biển sâu ngoài khơi.
Tiềm năng khí đốt của Myanmar chủ yếu nằm trong lòng biển sâu ngoài khơi.

Vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa không quên "sân nhà"

Bắt đầu từ đường ống dầu khí chiến lược mà Trung Quốc đặt không ít niềm tin, Myanmar có thể xem xét các thỏa thuận năng lượng để giảm dần sự phụ thuộc vào đất nước này nếu như những khu vực được đầu tư không nhận được lợi ích gì từ những đường ống dẫn.

Bên cạnh đó, chính phủ Myanmar đã quyết định thành lập Ủy ban Quản lý Năng lượng Quốc gia. Ủy ban này đã tiến hành một loạt các cải cách, bao gồm luật pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực và tăng đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.

Cuối cùng, tuy được ghi nhận có trữ lượng dầu khí dồi dào nhưng nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn chưa được đáp ứng. Với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%-8%/năm trong thời gian tới, chính phủ Myanmar cần ước tính được nhu cầu về năng lượng để đáp ứng sự phát triển đó, cũng như cung cấp nhu cầu điện tối thiểu cho 73% dân số vẫn chưa được tiếp cận năng lượng điện. Điều cần làm ngay lập tức đối với chính phủ Myanmar là xây dựng một kế hoạch phát triển năng lượng với tầm nhìn chiến lược,để định hướng sự phát triển của ngành cũng như bắn tín hiệu đến các nhà đầu tư.

Tính đến tháng 7/2012, ngành năng lượng của Myanmar đứng thứ hai trong “top” các lĩnh vực đầu tư. Đa số các mỏ dầu và hoạt động khai thác dầu khí của Myanmar đều do Công ty Dầu khí Quốc gia Myanmar (MOGE) quản lý và điều hành. Tháng 4 /2013, chính phủ Myanmar bắt đầu đấu giá cho 30 khối khí và dầu ngoài khơi. Ngoài việc mời gọi các hãng dầu lớn nhất thế giới như Exxon Mobil, Total và Eni; MOGE cũng chủ động hợp tác với gần 60 công ty năng lượng trên toàn cầu.

Đặc biệt, nhà đầu tư còn nhận được nhiều ưu đãi lớn khi cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Năng lượng Myanmar vừa ban hành các quy định tiêu chuẩn mới (PSC/IPR) cho các nhà thầu dầu khí tại Myanmar. Theo đó, nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí được nâng thời hạn miễn thuế từ 3 năm lên thành 5 năm.

Sẵn có lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, một vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ và một trữ lượng đáng kể năng lượng chưa được khai thác, chính phủ Myanmar đang nhắm đến con số tăng trưởng 7,7%. Nếu điều này trở thành sự thực, GDP đầu người của Myanmar có thể đạt 2000-3000 USD vào năm 2030, qua đó đưa Myanmar trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và Myanmar hoàn toàn có thế trở thành cửa hổ mới của châu Á.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện