Mô hình kinh tế Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn
Theo Krugman, hệ thống kinh tế nước này đã đạt đến giới hạn của mình, hay nói cách khác con tàu Trung Quốc sắp đâm vào Vạn lý Trường thành và câu hỏi đặt ra hiện nay là hậu quả của cú đâm này sẽ tồi tệ đến mức nào.
Điều rõ nhất khi so sánh Trung Quốc với các nền kinh tế khác, bên cạnh tăng trưởng nhanh, là sự không cân xứng giữa tiêu dùng và đầu tư. Hầu hết các nền kinh tế thành công đều dành một phần thu nhập hiện tại của mình cho đầu tư thay vì tiêu dùng nhằm mở rộng khả năng tiêu dùng trong tương lai. Trung Quốc thì lại khác, họ dành một phần đầu tư chỉ để nhằm mở rộng khả năng đầu tư nhiều hơn nữa cho tương lai.
Phải thừa nhận rằng, tỷ lệ tiêu dùng nội địa của Mỹ lại hơi cao đạt tới 70% GDP, trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ đạt một nửa và một nửa còn lại của GDP là nhờ vào đầu tư.
Điều gì giữ mức tiêu dùng thấp như vậy và làm cách nào mà người Trung Quốc có thể đầu tư nhiều như thế mà vẫn không bị giảm mạnh về lợi nhuận đầu tư. Câu trả lời hiện là chủ đề tranh cãi gay gắt. Theo nhà kinh tế Arthur Lewis, các quốc gia ở giai đoạn phát triển kinh tế đầu tiên thường có một khu vực nhỏ hiện đại đi kèm với khu vực kinh tế truyền thống lớn hơn, trong đó có số lượng lớn "lao động dư thừa," chủ yếu là nông dân chưa có việc làm, đóng góp vào sản lượng kinh tế tổng thể.
Sự tồn tại lực lượng lao động dư thừa này sẽ đem lại 2 tác động. Thứ nhất, trong thời gian nhất định, các quốc gia này có thể đầu tư mạnh mẽ xây dựng các nhà máy, công trình xây dựng mới mà không vấp phải quy luật lợi nhuận giảm dần vì việc đầu tư này liên tục lôi kéo lực lượng lao động mới từ vùng nông thôn. Thứ hai, cạnh tranh từ đội quân lao động dư thừa này giúp giữ chi phí lao động luôn ở mức thấp ngay cả khi nền kinh tế đã trở lên giàu có hơn.
Thực tế, vấn đề chính kéo lùi khu vực tiêu dùng Trung Quốc có thể là do các hộ gia đình nước này không bao giờ thấy được phần lớn thu nhập được tạo ra nhờ tăng trưởng kinh tế đất nước. Một phần của nguồn thu nhập này đã rơi vào túi nhóm người có quan hệ với chính quyền, phần lớn còn lại đang nằm trong các doanh nghiệp quốc doanh.
Mô hình này đã vận hành tốt qua vài thập kỷ nhưng nay đã tới lúc, theo Krugman, Trung Quốc cạn kiệt nguồn lao động dư thừa. Lương đang tăng lên và cuối cùng người dân bình thường bắt đầu chia sẻ miếng bánh tăng trưởng. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng nền kinh tế Trung Quốc đột nhiên đối mặt với nhu cầu phải tái cân bằng mạnh mẽ.
Đầu tư hiện nay đang đối mặt với thực trạng lợi nhuận đột ngột giảm dù chính phủ cố làm tất cả những gì có thể; chi tiêu tiêu dùng đáng lẽ phải tăng mạnh mẽ để bù đắp cho lợi nhuận giảm đột ngột do đầu tư này.
Thế nhưng xu hướng tăng tiêu dùng mạnh mẽ là điều không thể. Yêu cầu phải tái cân bằng kinh tế đã rõ ràng cách đây nhiều năm nhưng Trung Quốc cố tìm cách trì hoãn những thay đổi cần thiết, thay vào đó, tiếp tục đẩy thúc đẩy kinh tế bằng việc giữ giá đồng NDT dưới giá trị và đẩy mạnh tín dụng giá rẻ ra thị trường. Các biện pháp này chỉ có thể trì hoãn cái ngày định mệnh chứ không thể bảo đảm được rằng ngày này khi đến sẽ khó khăn hơn nhiều.
Câu hỏi đặt ra là tác động của khó khăn Trung Quốc đang gặp phải với kinh tế toàn cầu thế nào? Xét giá trị thị trường, kinh tế Trung Quốc chỉ lớn hơn chút ít so với Nhật Bản và bằng khoảng một nửa kinh tế Mỹ hoặc châu Âu. Như vậy, quy mô là lớn chứ không phải cực lớn và nếu trong bối cảnh bình thường, thế giới có thể vượt qua được những tác động mà khó khăn kinh tế Trung Quốc mang lại.
Nhưng thật không may là vào thời điểm này, châu Âu vẫn đang chìm trong suy thoái, thất nghiệp cao, hệ thống tài chính chưa ổn định; kinh tế Mỹ đã sáng sủa hơn nhưng tốc độ phục hồi tăng trưởng còn khiêm tốn. Những khó khăn Trung Quốc gặp phải có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào bầu không khí u ám hơn.
Nguồn Vietnam+