Mizuho Bank tận dụng thời cơ để bành trướng tại Đông Nam Á
Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc và động thái nâng lãi suất của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước khu vực ASEAN, ông Yasuhiro Sato, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Mizuho cho biết.
Vị lãnh đạo này cho rằng: "Tình hình kinh tế nói chung đang tăng trưởng chậm lại, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh tại châu Á".
Nền kinh tế các nước ASEAN gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này chậm nhất kể từ năm 1990, nhu cầu hàng hóa từ ASEAN của Trung Quốc bắt đầu suy yếu.
Điều này đã được phản ảnh trong bức tranh xuất khẩu yếu kém của khu vực: xuất khẩu của Indonesia đã giảm trong 10 tháng liên tiếp, Thái Lan cũng đã chứng kiến 7 tháng liền giảm xuất khẩu trong khi đà giảm của Philippines bắt đầu từ tháng Tư.
Sự giảm giá gần đây của đồng Nhân dân tệ càng làm bức tranh này thêm u ám. Việt Nam, vốn xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc, đã phá giá tiền đồng để hàng hóa trở nên cạnh tranh hơn.
Thêm vào đó, vài đồng tiền trong khu vực như rupiah và ringgit đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Đây là hệ quả của việc hàng hóa mất giá, mức nợ vay bằng USD cao và những lo ngại về tình hình chính trị của các nước này. Các chuyên gia cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm nay có thể làm trầm trọng hóa tình hình và khiến cho các dòng vốn chảy ra khỏi khu vực.
Những yếu tố nói trên đặt ra lo ngại cho các doanh nghiệp Nhật Bản như Mizuho khi đã đầu tư mạnh vào ASEAN - khu vực có nhu cầu vay vốn cao và tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất châu Á.
Đầu năm nay, tờ Wall Street Journal cho biết Mizuho đã đề nghị mua 60% cổ phần của Bank of Commerce tại Philippines, vốn là ngân hàng lớn thứ 15 nước này về tổng tài sản. Tuy nhiên, Mizuho đã từ chối bình luận về vấn đề trên.
Mizuho cũng đã sở hữu 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và là nhà tài trợ chính của một quỹ có cổ phần của Tata Technologies. Ngân hàng này cũng đã ký kết một bản ghi nhớ với Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan) hồi năm ngoái.
Sẽ có thêm M&A ngân hàng?
Việc đồng yen đã mất giá 13% so với đồng USD trong vòng một năm qua đã khiến các tổ chức tài chính của Nhật khó tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, ông Sato giải thích thêm.
"Trong vài năm nữa, tôi cho rằng chúng ta sẽ có cơ hội tốt để mua lại doanh nghiệp với giá rẻ hơn bây giờ. Tôi đang đợi một số biến động trong tương lai. Đó là thời điểm để thực hiện hàng loạt các phi vụ M&A".
Từ nay cho đến lúc đó, chiến lược đầu tư của Mizuho trong khu vực ASEAN là phải chọn lọc cẩn thận.
Theo ông Sato, hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Mizuho đang tập trung vào phục vụ các công ty đa quốc gia. Các công ty này khá mạnh ngay cả khi nền kinh tế các nước sở tại suy yếu. Các công ty này cũng có hoạt động khá đa dạng, vì vậy, nếu rủi ro tín dụng xấu đi thì điều đó cũng không tác động tiêu cực đối với Mizuho.
Ông Sato cho rằng, Indonesia và Malaysia và hai nước có nguy cơ tài chính cao nhất trong khối ASEAN.
Giống như nhiều nhà đầu tư khác, Sato cũng có cái nhìn khá tích cực về nền kinh tế Ấn Độ kể từ khi nền tảng kinh tế của nước này đã cải thiện đáng kể sau cuộc khủng hoảng của thị trường các nước mới nổi năm 2013. "Ấn Độ phát triển dựa vào thị trường nội địa, do đó, nước này không chịu ảnh hưởng tồi tệ như các nước ASEAN khác".
Trường Văn
Nguồn CNBC