Y tá trưởng tại bệnh viện Rubén Leñero ở Mexico City, bà María Irene Ramírez, 59 tuổi, là người đầu tiên tại Mexico tiêm vaccine Pfizer-BioNTech. Ảnh: AP.
Mexico trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên tiêm vaccine COVID-19
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 bắt đầu cung cấp vaccine
Theo Deutsche Welle, Mexico là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên triển khai chương trình vaccine COVID-19, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh. Một y tá trưởng tại một bệnh viện ở Thành phố Mexico là người đầu tiên được tiêm vaccine.
Động thái này báo hiệu một bước ngoặt đối với một quốc gia mà cho đến nay chỉ áp dụng cách tiếp cận tương đối tự do đối với đại dịch.
Tuần trước, các gia đình xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm xét nghiệm ở quận Iztapalapa của Mexico City. Các ca nhiễm đã tăng đột biến ở Mexico City, đây là tâm chấn cho sự lây nhiễm ở Mexico. Ảnh: The Times. |
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, cũng giống như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, luôn phản đối việc cấm COVID-19 nghiêm ngặt, thử nghiệm rộng rãi và bắt buộc đeo khẩu trang. Thật vậy, bất chấp đại dịch, Tổng thống Lopez Obrador đã đi khắp Mexico, ôm những người ủng hộ và khẳng định với cử tri rằng điều tồi tệ nhất đã qua.
Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm lại bộc lộ một câu chuyện khác. Mỗi ngày, 12.000 ca nhiễm mới được báo cáo trong nước - gấp đôi so với trong những tháng mùa hè. Cho đến nay, hơn 118.000 người đã chết vì các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19. Ít nhất 1,3 triệu người Mexico đã nhiễm virus.
Ánh sáng cuối đường hầm
Giáo sư y khoa Malaquias Lopez Cervantes tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico cho biết: “Thật là một tin tuyệt vời khi chương trình tiêm chủng hiện đang bắt đầu. Tuy nhiên, chuyên gia sức khỏe cộng đồng Lopez Cervantes cũng lo ngại rằng: “Chương trình tiêm chủng chỉ có một vài liều cho một nhóm đối tượng nhỏ. Các bước tiếp theo là không rõ ràng. Vẫn còn một số trở ngại để đạt được sự tiêm chủng toàn diện cho người dân Mexico”.
Quân đội Mexico phụ trách điều hành chương trình tiêm chủng, bắt đầu vào 23.12. Ảnh: Deutsche Welle. |
Nước này sẽ cung cấp 125.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech mới được phê duyệt. Hiện tại, chỉ có nhân viên y tế ở 2 trong số 32 bang của Mexico, gồm thủ đô đông dân Mexico City và bang Coahuila ở phía Bắc, mới được tiêm chủng.
Câu hỏi về tính khả dụng
Chính phủ Mexico có kế hoạch để tất cả nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 được tiêm chủng vào tháng 2.2021. Đến tháng 4, tất cả các nhân viên y tế còn lại, cùng với những người Mexico từ 60 tuổi trở lên sẽ được tiêm chủng. Vào tháng 5, những người Mexico trên 50 tuổi sẽ được tiêm phòng, tiếp theo là những người trên 40 tuổi vào tháng 6. Mục tiêu là tiêm chủng cho tất cả những người khác trước tháng 3.2022. Việc tiêm phòng sẽ miễn phí.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu có đủ số lượng vaccine cung cấp cho tất cả 126 triệu người Mexico hay không. Nước này đã đồng ý mua ít nhất 7 triệu liều vaccine từ Pfizer, 35 triệu liều từ công ty CanSino của Trung Quốc. Hiện, công ty CanSino đang thử nghiệm vaccine trên 6.000 tình nguyện viên Mexico. Tuy nhiên, cho đến nay, vaccine này vẫn chưa được phê duyệt ở Mexico.
Tương tự, Johnson & Johnson đã triển khai các thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối ở Mexico vào cuối tháng 11. Astra-Zeneca của Anh với cam kết cung cấp 77 triệu liều, có kế hoạch thành lập một trung tâm hậu cần ở Mexico để phân phối vaccine của họ sau khi được phê duyệt.
Những thách thức hậu cần phía trước
Theo chuyên gia sức khỏe cộng đồng Lopez Cervantes, “Sở hữu vaccine là một chuyện, nhưng quản lý nó mới là một nút thắt thực sự. Tôi biết điều này từ những lần tiêm phòng cúm thông thường, nơi mọi người sẵn sàng tiêm nhưng không hiểu rõ họ cần đến đâu và khi nào. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều nhóm người chờ đợi, mất kiên nhẫn và không bao giờ quay trở lại”.
Sự nhầm lẫn kiểu đó có thể gây rủi ro. Cụ thể, vaccine Pfizer-BioNTech có độ nhạy cao. Nó chỉ có thể được bảo quản ở âm 70 độ C và sau khi rã đông, phải được sử dụng trong vòng 5 ngày. Mỗi cá nhân phải nhận 2 mũi tiêm.
Hiện tại, quân đội Mexico chịu trách nhiệm về mọi vấn đề hậu cần. Người Mexico sẽ được tiêm phòng trong doanh trại quân đội. Đây là một "kế hoạch bất thường". Giáo sư Lopez Cervantes nói: “Chạy chương trình tiêm chủng này theo chiều dọc, tập trung sẽ gây ra các biến chứng”.
Theo một cuộc thăm dò, 31% người Mexico muốn tiêm phòng càng sớm càng tốt, trong khi 55% dự định sẽ chờ đợi. Chỉ 10% từ chối chương trình tiêm chủng. Ảnh: AFP. |
Có thể bạn quan tâm:
► Cứ 60 giây, Viện Huyết thanh Ấn Độ có thể sản xuất 500 liều vaccine COVID-19