McKinsey cảnh báo rủi ro đầu tư vào Myanmar
Theo báo cáo, Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần lên 200 tỷ USD vào năm 2030 nhưng chỉ khi chính phủ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản và đa dạng hóa nền kinh tế.
Theo McKinsey, Myanmar vẫn là một thị trường “mọi thứ đều phải tự thân”, tăng gấp 4 lần quy mô nền kinh tế không phải con số quá lớn nhưng cũng là điều không thể nếu kinh tế Myanmar chỉ xoay quanh nông nghiệp, năng lượng và khai mỏ.
Trong khi đó, quá trình đầu tư cho nền kinh tế sẽ là một quá trình tốn kém. Chỉ tính riêng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Myanmar có thể mất 320 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để đạt tăng trưởng 8%/năm và thêm hàng tỷ USD để cải tổ cơ sở hạ tầng giáo dục, đào tạo nhân lực.
Bất chấp những cam kết và chiến dịch quảng bá kinh tế của Myanmar, nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng khi vào thị trường này, chưa dám thực hiện các dự án đầu tư lớn như đầu tư vào cơ sở sản xuất.
Báo cáo đưa ra vài ngày sau khi xảy ra bạo loạn ở thị trấn Lashio, gần đường ống dẫn dầu và khí đốt lớn của Myanmar. Ngay trong ngày 28/5, chính phủ Myanmar đã điều khoảng 130.000 binh sĩ và cảnh sát tới thị trấn, đồng thời ra lệnh giới nghiêm. Đây là vụ bạo loạn đầu tiên xảy ra gần biên giới Myanmar-Trung Quốc, nơi có nhiều dự án hạ tầng lớn như đường ống dẫn dầu, khí đốt trị giá 2,5 tỷ USD từ vịnh Bengal sẽ cung cấp nguồn năng lượng khổng lồ cho Trung Quốc.
Các vụ đụng độ do bất đồng tôn giáo ở Myanmar khiến hàng trăm người thiệt mạng, hơn 100.000 người mất nhà cửa trong năm vừa qua.
Theo McKinsey, các doanh nghiệp lo ngại Myamar có thể bắt đầu mất đà cải cách kinh tế và chính trị từ luật đầu tư mới đến luật truyền thông.
Ông Chhor nhấn mạnh, nếu chính phủ Myanmar không thể tiếp tục đà cải cách, ngăn chặn các căng thẳng chính trị hiện tại, đó sẽ là rủi ro lớn nhất với phát triển kinh tế của nước này và đầu tư nước ngoài.
Nguồn WSJ/Dân Việt