Đàm Hoa Thứ Hai | 21/11/2016 12:30

May rủi của thị trường mới nổi

Giới đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 7 tỉ USD khỏi các thị trường mới nổi từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đối với phần lớn năm 2016, mọi thứ dường như thuận lợi cho các thị trường mới nổi. Giá cả hàng hóa phục hồi nhẹ báo hiệu nền kinh tế toàn cầu (và cả Trung Quốc) khả quan hơn nhiều người vẫn nghĩ. Trong khu vực sản xuất, tính trung bình, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại các nước đang phát triển đã tăng lên 51 vào tháng 10.2016 từ mức 49 đầu năm nay, theo Goldman Sachs (chỉ số trên 50 có nghĩa là tăng trưởng).

Những dấu hiệu ổn định có thể nhìn thấy thậm chí ở cả những nền kinh tế đáng ngại nhất trong những năm gần đây. Đó là Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả các nền kinh tế này đều chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai thu hẹp lại trong 3 năm qua, có nghĩa là họ ít phụ thuộc hơn vào dòng vốn nước ngoài chảy vào.

Niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào các thị trường mới nổi cũng đã khôi phục. Trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, cả chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi MSCI lẫn chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi của JP Morgan đều đã qua mặt chỉ số của các nước phát triển trong năm nay.

Nhưng việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ dường như, ít nhất là tạm thời, đã khiến cho nhiều nhà đầu tư đổi ý. Vào ngày 11.11, các đồng tiền thị trường mới nổi đã trải qua đợt bán tháo trong một phiên lớn thứ hai trong vòng 5 năm qua, khi giảm tới 1,7% so với đồng USD. Các trái phiếu bằng đồng USD của chính phủ các nước đang phát triển cũng đã giảm hơn 6% trong 4 ngày giao dịch kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong khi trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nước này đã giảm tới 7,4%, theo Bloomberg. Chỉ số cổ phiếu thị trường mới nổi MSCI đã giảm gần 7% xét theo giá trị đồng USD.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 7 tỉ USD ra khỏi các thị trường mới nổi kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Làn sóng này đã được gọi là “cú sốc Trump” cũng tương tự như cú sốc hồi năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu rằng cơ quan này sẽ cắt giảm và tiến tới ngưng chương trình mua lại trái phiếu, được gọi là nới lỏng định lượng.

Một số diễn biến trên thị trường phản ánh nỗi lo ngại về nước Mỹ nhiều hơn là những chỉ số vĩ mô cơ bản của các thị trường mới nổi. Chiến thắng của ông Trump dẫn đến những trông đợi rằng đảng Cộng hòa, vốn kiểm soát cả cơ quan lập pháp và  hành pháp, sẽ đẩy mạnh các biện pháp cắt giảm thuế, chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và quốc phòng, đồng thời đưa ra các quy định khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đưa lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài trở về nước.

Chương trình này có thể làm cho đồng USD mạnh hơn, đặc biệt nếu FED tăng lãi suất. Hơn nữa, việc cắt giảm thuế và chi tiêu nhiều hơn sẽ khiến cho thâm hụt ngân sách lớn hơn và vì thế sẽ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên. Cả hai động thái đều có tác động gián tiếp lên các thị trường mới nổi; đồng tiền các thị trường này giảm khi đồng USD tăng lên, trong khi lợi suất trái phiếu lại tăng (và giá trái phiếu giảm) cùng nhịp với thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ.

Một báo cáo mới từ Hyun Song Shin thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy đồng USD mạnh lên có thể sẽ tạo ảnh hưởng đáng kể về mặt tài chính lẫn thương mại đối với các thị trường mới nổi. Nhiều công ty đã vay mượn bằng USD. Vì thế, chi phí trả lãi lẫn nợ vay của họ sẽ tăng khi đồng bạc xanh mạnh lên so với đồng nội tệ của nước họ. Phần lớn các khoản vay này được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng, cũng khiến cho các ngân hàng dễ bị tổn thương trước rủi ro USD tăng giá. Shin phát hiện ra rằng: “Đồng USD tăng giá gắn liền với tốc độ chậm lại trong hoạt động vay USD xuyên biên giới”. Nói cách khác, nó đồng nghĩa với việc siết chặt các điều kiện tín dụng trên các thị trường mới nổi.

Không chỉ vậy, nhà đầu tư cũng lo ngại việc Trump đắc cử báo hiệu một bước rẽ quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Trong quá trình chạy chiến dịch tranh cử, ứng viên Donald Trump đã cam kết sẽ thương lượng lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), tuyên bố Trung Quốc thao túng đồng nội tệ và áp các rào cản thuế quan bảo hộ.

May rui cua thi truong moi noi
Sóng gió bắt đầu nổi lên tại các thị trường mới nổi. Ảnh: dreamwidth.org

Vẫn chưa rõ trong số những tuyên bố của ông Trump, những tuyên bố nào sẽ được ông nỗ lực thực hiện (hoặc có thể thực hiện được). Có lẽ triển vọng của các thị trường mới nổi sẽ phụ thuộc vào liệu chính phủ mới của Mỹ là chính phủ của “Trump cứng rắn” hay “Trump mềm dẻo”. Nếu tác động kinh tế chủ yếu từ phía ông Trump thể hiện dưới hình thức một gói kích thích thì đó có thể là lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng của nước Mỹ. Điều này sẽ tốt cho tình hình xuất khẩu của các thị trường mới nổi, vốn đang ảm đạm. Xuất khẩu của các thị trường này đã giảm 3,5% từ đầu năm tính đến tháng 9 xét theo giá trị đồng USD, theo Capital Economics, trong khi về mặt khối lượng, gần như không nhúc nhích. Giá cả kim loại công nghiệp, vốn rất nhạy cảm trước triển vọng kinh tế, cũng đã tăng nhẹ kể từ khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. 

Nhưng nếu mối quan tâm chủ yếu của chính phủ Trump là chính sách bảo hộ thương mại thì các thị trường mới nổi sẽ gặp rủi ro. Viện Kinh tế Đức (IFO) ước tính trong một cuộc chiến thương mại, GDP của Mexico dự báo sẽ tăng trưởng âm 3,7-5%. Điều đó giải thích vì sao đồng peso Mexico là đồng tiền bị tác động mạnh nhất từ sự kiện ông Trump thắng cử. Các thị trường mới nổi khác cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự, dù ít hay nhiều.

Có thể chính quyền Trump sẽ đeo đuổi cả hai mục tiêu nói trên. Một gói kích thích kinh tế sẽ hút hàng nhập khẩu và từ đó khiến cho thâm hụt thương mại thêm phình to. Đồng USD mạnh cũng sẽ có tác động tương tự bằng cách khiến cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn và hàng hóa xuất khẩu Mỹ trở nên ít cạnh tranh hơn. Vì ông Trump cam kết xóa bỏ thâm hụt, điều đó có thể khiến chính quyền ông Trump đẩy nhanh việc bảo hộ thương mại ở giai đoạn sau trong nhiệm kỳ của ông. Một điều chưa rõ khác là chính sách an ninh; việc Mỹ rút khỏi các cam kết quốc phòng có thể khiến nhà đầu tư hoảng loạn và rút khỏi các thị trường mới nổi.

Biến động là điều mà người ta thường nghĩ về các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư bị thu hút bởi triển vọng của các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng cải cách cơ cấu trong thời hoàng kim, nhưng rồi sau đó họ hoảng sợ và rút vốn khi mọi thứ trở nên xáo trộn. Việc ông Trump đắc cử chỉ là cho thêm một giọt nước “biến động” vào trong chiếc ly vốn dĩ đã chứa quá nhiều điều không chắc chắn.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist