IndiGo đã đặt 500 máy bay phản lực Airbus A320 để xây dựng mạng lưới nội địa và mở rộng các chuyến bay quốc tế. Ảnh: Zuma Press.

 
Mỹ Quyên Thứ Ba | 27/06/2023 13:44

Máy bay sản xuất không kịp để bán

Các nền kinh tế đang chao đảo trên khắp thế giới, nhưng điều đó không ngăn cản được du khách liên tục đặt mua vé máy bay.

Theo các CEO của những hãng hàng không có mặt tại Triển lãm Hàng không Paris mới đây, nhu cầu đi máy bay sau đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trích dẫn các đơn đặt hàng máy bay lớn gần đây, chẳng hạn như thỏa thuận kỷ lục 500 máy bay phản lực của hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ IndiGo.  

Ông Guillaume Faury, Giám đốc Điều hành của Airbus, nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới, cho biết: “Tuy kinh tế có ghi nhận suy thoái, nhưng các hãng hàng không không nhận thấy lượng đặt chỗ chậm lại, mà ngược lại nhu cầu rất lớn mặc dù giá cao”.

Tuy là nhu cầu tăng cao, nhưng các hãng hàng không lại gặp khó khăn trong việc tăng công suất, do thiếu hụt nguồn cung các bộ phận thiết yếu như động cơ, chip cũng như nhân công. Cả 2 nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing đều có danh sách đơn hàng tồn đọng kéo dài.

"Chúng tôi sản xuất không kịp máy bay để đáp ứng nhu cầu. Một đơn hàng mua máy bay ở thời điểm hiện tại có nghĩa bạn sẽ được xếp vào danh sách chờ, do khả năng sản xuất và nguồn cung của chúng tôi có hạn", vị Giám đốc Điều hành của Airbus cho biết.

Chẳng hạn, các máy bay phản lực của IndiGo cũng phải đợi đến ít nhất là năm 2030 mới giao.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Boeing David Calhoun, cho biết chuỗi cung ứng của Công ty sẽ không ổn định cho đến cuối năm sau. 

Trước giờ ngành hàng không cũng nổi tiếng với sự bùng nổ và phá sản, nhưng chu kỳ trong vài năm qua thật sự phi thường, theo WSJ. Tất cả chặng bay luôn nhộp nhịp, ngoại trừ thời điểm đại dịch.

 

Khi các hạn chế đi lại bắt đầu được dỡ bỏ vào năm ngoái, các hãng hàng không đã phải choáng ngợp trước nhu cầu bị dồn nén. Các sân bay bị quá tải còn hãng thì phải vật lộn để thuê lại nhân viên và đưa máy bay trở lại hoạt động. 

Từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không và bên cho thuê máy bay đã đặt hàng 1.429 máy bay phản lực của Airbus và Boeing. Con số này nhiều hơn tổng số đơn đặt hàng 1.377 máy bay của cả năm 2019. Đơn đặt hàng được xác nhận tại triển lãm hàng không năm nay là mức cao nhất kể từ năm 2011, theo công ty nghiên cứu hàng không vũ trụ Agency Partners.

Ngay cả trước khi có đơn đặt hàng của IndiGo, Airbus đã gần như bán hết máy bay thân hẹp A320 cho đến đầu thập kỷ tiếp theo.

Airbus đang nhắm mục tiêu sản xuất 75 mẫu máy bay A320 mỗi tháng vào năm 2026, sau khi cắt giảm sản lượng xuống khoảng 40 chiếc mỗi tháng trong thời kỳ đại dịch. Công ty đã nhiều lần đẩy lùi các mục tiêu sản lượng khi phải vật lộn để khắc phục các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Boeing đã đặt mục tiêu đạt tỉ lệ sản xuất hàng tháng là 38 chiếc 737 MAX, tăng từ 31. Hãng sẽ đạt được mục tiêu đó khá sớm, theo Giám đốc Thương mại của Boeing. Công ty có kế hoạch tăng tỉ lệ hơn nữa nhưng vẫn chưa đặt mục tiêu cụ thể.

Có thể bạn quan tâm: 

Nông nghiệp Đông Nam Á lao đao vì El Nino

Nguồn The Wall Street Journal