Mặt trái từ quyết định hạ lãi suất thấp kỷ lục của ECB
Đúng như kỳ vọng của phần lớn người dân châu Âu và các nhà kinh tế, cuối cùng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 10 tháng, xuống 0,5% trong cuộc họp ngày 2/5 diễn ra tại Bratislava, thủ đô của Slovakia.
Số liệu kinh tế trong tháng qua đã ủng hộ cho các quyết định nới lỏng tiền tệ của ECB, với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong tháng 4, trong khi lạm phát tháng giảm mạnh nhất trong hơn 4 năm, xuống 1,2%.
Hai mục tiêu hướng đến của chính sách cắt giảm lãi suất lần này bao gồm vực dậy nền kinh tế đang chìm trong suy thoái kinh tế, đồng thời hạn chế tình trạng giảm lạm phát. Một đồng euro được định giá thấp hơn còn giúp cho giá hàng hóa của các nước khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) rẻ hơn ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
"Ngân hàng trung ương châu Âu đang tiến hành một biện pháp an toàn, mặc dù biết trước hiệu quả có thể sẽ rất hạn chế", chuyên gia kinh tế Anders Svendsen thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính Nordea nói về việc cắt giảm lãi suất của ECB.
Theo nhà phân tích này, cách tốt hơn ECB nên thực hiện là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vay vốn, thay vì cắt giảm lãi suất cơ bản. Nói cách khác, ECB nên tập trung vào nơi vấn đề đang xảy ra, hơn là dàn trải ra tất cả vì rõ ràng gặp nhiều khó khăn nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một bộ phận các ngân hàng cũng không mấy vui vẻ. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng ở châu Âu đang chấp nhận hoạt động mà không thu được lợi nhuận, lãi suất tiền gửi được giữ gần 0% và lãi suất cơ bản giảm sẽ khiến cho lợi nhuận trên tài sản thế chấp sụt giảm.
Hơn nữa, vấn đề chênh lệch lãi suất giữa Nam Âu và Bắc Âu vẫn không được giải quyết. Một quyết định cắt giảm chung không thay đổi được chi phí vay vốn cao ở Nam Âu - nơi rủi ro tín dụng cao do khủng hoảng, và chi phí vay vốn thấp hơn ở Bắc Âu. ECB quên mất rằng Nam Âu mới là nơi cần hỗ trợ, chứ không phải tất cả.
Do vậy mục tiêu khơi thông dòng tín dụng tại các nước Nam Âu đang hứng chịu suy thoái kéo dài như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha khó có thể đạt được.
Mặt khác, áp lực giá cả giảm đột ngột cũng mang đến khả năng ECB sẽ phải sử dụng thêm các công cụ chính sách khác bên cạnh lãi suất để đối phó với tình trạng lạm phát thấp.
Phương án được tính đến là mua tài sản tư nhân, ông Andrew Bosomworth tại PIMCO, quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới cho biết: "Cuối cùng, chúng tôi cho rằng ECB sẽ phải mua tài sản khu vực tư nhân để tăng cường cơ chế truyền tải cho chính sách tiền tệ nới lỏng mới".
Bên cạnh hàng loạt lo ngại về tính hiệu quả của chính sách mới đưa ra, ECB còn phải đối mặt với sự phản đối từ Đức, quốc gia có tiếng nói nhất khu vực châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong tuần trước: "Theo ý kiến của riêng Đức, ECB sẽ phải tăng lãi suất". Với lãi suất thấp, Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng giá nhà tăng cao tại một số thành phố lớn.
Ngay sau khi ECB quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, đồng euro đã tăng lên 1,3191 USD/EUR trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức tăng, cho thấy nguy cơ ảnh hưởng xấu của chính sách này đối với nền kinh tế Đức.
Tại Đức, các công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm và khu vực ngân hàng hợp tác cũng lên tiếng chống lại chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB. Bởi theo họ, biện pháp này sẽ mang lại ít hiệu quả kinh tế và làm giảm tỷ lệ tiết kiệm, một yếu tố quan trọng giúp đối phó với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Đức.
Đây là lần thay đổi lãi suất cơ bản đầu tiên từ tháng 7/2012 và lần cắt giảm thứ tư của ECB kể từ khi ông Mario Draghi lên chức chủ tịch vào tháng 11/2011.
Theo một vài ý kiến, quyết định vừa qua của ECB là hợp lý nhưng cần sự dũng cảm hơn nữa mới mong giải quyết những vấn đề sâu xa dẫn đến khủng hoảng kinh tế tại châu Âu và một trong các căn nguyên ấy chính là sự chênh lệch trong phát triển kinh tế giữa 2 khu vực Nam-Bắc Âu.
Nguồn Dân Việt/NYTimes