Thứ Bảy | 03/11/2012 10:51

Martin Wolf: Không thể đánh giá hiệu quả kinh tế chỉ bằng quá trình phục hồi

Nhà bình luận Financial Times, Martin Wolf, hôm 29/10 đã có bài phản bác luận điểm cho rằng sự phục hồi kinh tế Mỹ rất yếu của nhà kinh tế John Taylor.
Hai tuần trước đây, nhà kinh tế vĩ mô nổi tiếng thuộc Đại học Stanford đồng thời là cố vấn của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney, John Taylor, đã công bố một bài phân tích về tình hình kinh tế Mỹ hiện tại, trong đó lập luận rằng sự phục hồi của kinh tế là đặc biệt yếu.

John Taylor từ lâu luôn là một cái tên lớn trong giới kinh tế gia, ông cũng là người sớm nhất đưa ra các nghiên cứu có tính học thuật về cuộc khủng hoảng. Do đó, những phân tích mà ông đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, đã thu hút được sự chú ý cũng như phản biện của nhiều nhà kinh tế học và các nhà phân tích.

Trong số những phản biện đáng chú ý trong tuần qua, nổi lên tên tuổi Martin Wolf - một cây bút bình luận tên tuổi của tờ Financial Times, Ông từng được phong tước Hiệp sỹ Đế chế Anh năm 2000, Tiến sỹ danh dự Trường Kinh tế London năm 2006 và được bình chọn là “Cây bút bình luận của năm” tại Anh năm 2009.

Nhà bình luận nổi danh của tờ Financial Times, Martin Wolf.
Nhà bình luận nổi danh của tờ Financial Times, Martin Wolf.

Ngay sau khi bài phân tích của John Taylor được đăng tải, Martin Wolf đã tham gia vào cuộc tranh luận nóng bỏng về việc liệu sự phục hồi của kinh tế Mỹ hiện tại có thực sự chậm một cách đáng ngạc nhiên như lời Taylor? Nếu điều đó là thực, thì liệu các chính sách của chính quyền tổng thống Barack Obama có phải chịu trách nhiệm quản lý đối với kết quả đó?

Martin Wolf cho biết sau khi những câu hỏi này được đưa ra, giáo sư Taylor đã đích thân trả lời ông, trong đó Taylor đưa ra 4 luận điểm.

Thứ nhất, Taylor lập luận rằng nếu loại trừ các giai đoạn phục hồi trong năm 1973, 1981 và 1990 như ông đã chỉ ra trong phân tích của mình, khoảng cách giữa tốc phục hồi bình thường của Mỹ và tốc độ phục hồi hiện này là rất lớn.

Thứ 2, khi Martin Wolf hỏi ông về định nghĩa của sự phụ hồi, Taylor đã viện dẫn rằng khái niệm của ông, như giáo sư Michael Bordo đã chỉ ra, đã được sử dụng hiệu quả bởi các nhà lịch sử tiền tệ trong hàng thập kỷ qua.

Thứ 3, khi nghe Martin Wolf tranh luận rằng những kinh nghiệm trong quá khứ của các quốc gia khác cũng không kém phần quan trọng, Taylor đã tiếp tục viện dẫn giáo sư Bordo, người đã có bài nghiên cứu về lịch sử kinh tế dài 250 trang, cùng nhiều nhà lịch sử tiền tệ khác để phản bác lại.

Cuối cùng, khi Martin Wolf lập luận rằng suy thoái kinh tế thời gian qua không nghiêm trọng như cuộc Đại khủng hoảng hay những cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, điều đó có nghĩa chính sách kinh tế đã thành công, John Taylor cho rằng những chính sách của chính phủ trước năm 2009 là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng và suy thoái sâu hiện tại.

Để đáp trả những luận điểm này của John Taylor, Martin Wolf đã tập trung phản bác từng lập luận mà Taylor đưa ra.

Trước hết, đối với luận điểm thứ nhất và thứ hai, Martin Wolf cho rằng phân tích của Taylor chủ yếu xuất phát từ những biểu đồ so sánh các cuộc khủng hoảng do chính tay Taylor tự lập ra, trong đó cho thấy quá trình phục hồi nhanh nhất của nền kinh tế Mỹ đều diễn ra vào thời kỳ hậu Đại khủng hoảng.

Tuy nhiên, Martin Wolf cho rằng liệu điều đó có phải là bằng chứng đủ để chứng minh rằng chính sách kinh tế ở những thời điểm đó là đặc biệt tốt? "Câu trả lời là KHÔNG", Martin Wolf khẳng định. Wolf chỉ ra rằng trước một sự phục hồi mạnh mẽ, bao giờ cũng là một đợt suy giảm cực lớn. Nếu chỉ nhìn vào sự phục hồi mà không xét đến sự suy giảm trước đó chẳng khác nào xem vở kịch Hamlet mà không có nhân vật chàng hoàng tử báo thù, Wolf khẳng định.

"Đó cũng là lý do vì sao Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff - bộ đôi giáo sư kinh tế học nổi tiếng của nước Mỹ - khi đánh giá đều tập trung vào hiệu suất của nền kinh tế, và liên hệ với thời điểm trước khi khủng hoảng bùng phát", Wolf nhận định. Ông cũng cho rằng biện pháp so sách hiệu suất của nền kinh tế trước và sau khủng hoảng là một biện pháp rất tốt bởi chỉ riêng quá trình phục hồi không nói lên điều gì.

Để chứng minh điều này, Wolf đã tạo ra một biểu đồ của riêng mình, dựa trên nghiên cứu của hai giáo sư Bordo và Haubrich - hai nhà phân tích được Taylor viện dẫn trong lập luận của mình.

Biểu đồ biểu diễn sự thu hẹp và phục hồi của kinh tế Mỹ qua các lần khủng hoảng do chính Martin Wolf lập ra dựa trên nghiên cứu của Bordo và Haubrich. (Nguồn: Financial Times)
Biểu đồ biểu diễn sự thu hẹp và phục hồi của kinh tế Mỹ qua các lần khủng hoảng do chính Martin Wolf lập ra dựa trên nghiên cứu của Bordo và Haubrich.

Biểu đồ của Martin Wolf được tạo ra, trong đó có so sánh giữa quy mô hồi phục của nền kinh tế cùng với quy mô kinh tế bị suy giảm vào thời điểm xảy ra khủng hoảng. Trong biểu đồ này, Wolf đã giới giạn chỉ so sánh 4 cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính gần đây nhất. Điều này theo Wolf là nhằm đảm bảo rằng các cuộc khủng hoảng được dùng so sánh sẽ gần tương tự nhau.

Khi nhìn bảng, Wolf cho rằng Taylor không sai khi nói sự phục hồi của nền kinh tế thời điểm hiện tại yếu hơn rất nhiều so với các cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính trước đó. Tuy nhiên, Wolf cũng chỉ ra rằng sự suy giảm của nền kinh tế trong các cuộc khủng hoảng này khá nhỏ. Chẳng hạn, ngay cả sau cuộc khủng hoảng tồi tệ 1929, kinh tế Mỹ thu hạp 31,6% trong khi tốc độ phục hồi là 40,5%.

Để phân tích 4 cuộc khủng hoảng này đầy đủ hơn, Martin Wolf đã xây dựng một biểu đồ mới theo phương pháp của Reinhart và Rogoff, trong đó tập trung vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người, căn cứ vào sức mua của đồng tiền (PPP).

Biểu đồ về GDP trên đầu người căn cứ vào sức mua đồng tiền (PPP) của Martin Wolf, dựa tên phương pháp của Reinhart và Rogoff.
Biểu đồ về GDP trên đầu người căn cứ vào sức mua đồng tiền (PPP) của Martin Wolf, dựa tên phương pháp của Reinhart và Rogoff.

Qua biểu đồ, Martin Wolf thật vô lý khi chỉ tập trung vào sự phục hồi để đánh giá hiệu suất nền kinh tế. Biểu đồ cũng cho thấy GDP bình quân đầu người của kinh tế Mỹ năm 2012 sẽ phục hồi bằng với thời điểm năm 2007, thời điểm trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra. Nếu điều đó xảy ra, có thể thấy cuộc suy thoái hiện tại không dài hơn các cuộc suy thoái trước đó như 1892-1897 và 1906-1911, có khác thì chỉ khác ở mức độ suy giảm. "Điều đó là hoàn toàn tốt, chứ không hề xấu", Martin Wolf khẳng định.

Nhìn chung, Martin Wolf khẳng định ông không phản đối ý kiến của giáo sư Taylor, trong đó cho rằng sự phục hồi của kinh tế Mỹ hiện tại là tương đối yếu. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đó không nói lên điều gì quan trọng.

Giáo sư Taylor cho rằng đánh giá hiệu suất kinh tế thông qua quá trình phục hồi sau khủng khoảng là phương pháp được nhiều nhà lịch sử tiền tệ sử dụng qua nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, Wolf phản bác rằng phương pháp này có thể đúng trong một số trường hợp nhất định, song trong trường hợp này, đánh giá hiệu suất của kinh tế Mỹ hiện tại bằng cách đem so sánh với các cuộc khủng hoảng trước đó không phải là cách làm đúng đắn.

Ở luận điểm thứ 3, giáo sư Taylor phản đối ý kiến của Wolf, trong đó cho rằng nếu không có sự can thiệp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính phủ, cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhà bình luận của Financial Times cho rằng luận điểm của ông được minh chứng rõ ràng khi so sánh thương mại và sản xuất toàn cầu hai quý đầu tiên của khủng hoảng 2008-2009 với cuộc Đại suy thoái 1930.

Có thể thấy rằng, hậu quả của Đại suy thoái 1930 tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện tại, mà nguyên nhân chính là do chính phủ đã không can thiệp nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường. Tuy nhiên, cuộc khủng 2008-2009 đã không diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực như năm 1930, kết quả đó là nhờ sự can thiệp kịp thời của Fed và chính phủ giúp ngăn chặn thị trường đổ vỡ, đồng thời tiến hành biện pháp hỗ trợ tiền tệ và tài chính quyết liệt cho nền kinh tế, Wolf khẳng định.

"Cũng chính vì cuộc khủng hoảng hiện tại không tồi tệ như những cuộc khủng hoảng trước đó, nên sự phục hồi của nó dường như cũng yếu hơn so với quá khứ", Martin Wolf nói. Mặc dù vậy, nhà bình luận Financial Times cũng đồng ý với ý kiến của giáo sư Taylor, trong đó cho rằng những chính sách của chính quyền tổng thống George Bush trước năm 2009 chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại.

Cuối cùng, đối với ý kiến cho rằng nước Mỹ ngày nay giống với nước Mỹ của thế kỷ 19, và hoàn toàn "khác biệt" với các quốc gia phát triển khác ngày nay, Martin Wolf khẳng định đây là một nhận thức hoàn toàn sai lầm.

Martin Wolf đã viện dẫn những nghiên cứu gần đây của hai nhà phân tích Moritz Shularick thuộc Đại học Bonn và Alan Taylor thuộc Đại học Virginia, trong đó so sánh sự phục hồi của kinh tế Mỹ và kinh tế Anh. Nghiên cứu cho thấy những tác động do tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức trước khủng hoảng ở cả hai quốc gia là khá tương đồng. Tuy nhiên, sự phục hồi của kinh tế Mỹ được cho là tốt hơn nhiều so với Anh.

"Vậy kinh tế Mỹ hiện tại có thực sự yếu như lời John Taylor? Câu trả lời là KHÔNG", Martin Wolf khẳng định

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện