Mario Draghi: Kinh tế châu Âu đối mặt với 3 rủi ro lớn
Phát biểu tại Quốc hội Phần Lan trong cuối ngày 27/11, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thừa nhận rằng, kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) đang vấp phải một số trở ngại lớn, như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, năng suất sản xuất thấp, bảng cân đối tài chính mất cân bằng, lạm phát vẫn ở mức thấp trong khi tăng trưởng tín dụng liên tục chậm lại.
Trong bối cảnh như vậy, giới chuyên gia buộc phải hạ thấp hầu hết các dự báo kinh tế trong thời gian gần đây. Trên thực tế, kinh tế Eurozone đang dần mất động lực tăng trưởng kể từ mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, ECB vẫn đang kỳ vọng, kinh tế Eurozone sẽ phục hồi ở tốc độ trung bình trong những năm tới nhờ gói kích thích chính sách tiền tệ, những cải thiện của hệ thống tài chính cũng như kế hoạch cải cách cơ cấu và củng cố tài chính của chính phủ liên minh.
Tuy nhiên theo chủ tịch Draghi, cần phải có thời gian để thị trường nhận thấy rõ hiệu quả của các biện pháp kích thích mới đây. Vị chủ tịch của ECB cũng nhắc lại cam kết sẽ sẵn sàng áp dụng các công cụ tài chính phi chuẩn khác để kích thích tăng trưởng kinh tế nếu cần thiết.
Trong vài tháng gần đây, ECB đã tung ra một loạt các biện pháp kích thích lịch sử, như hạ một số lãi suất chủ chốt và triển khai chương trình tái cấp vốn dài hạn mục tiêu và mua trái phiếu có đảm bảo.
Hiện nay, thị trường đang đồn đoán rằng, ECB sẽ thực hiện chương trình nới lỏng định lượng kiểu Mỹ để kích thích tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Mới đây trong ngày 27/11, Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cũng đánh tín hiệu cho biết, ECB có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ từ quý 1/2015.
Trong quý III, kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái với Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - may mắn thoát khỏi suy thoái trong "gang tấc". Tính đến tháng 10, lạm phát của Eurozone đang ở mức 0,4% trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 11,5% trong 4 tháng liên tiếp.
Nguồn DVO/ CNBC