Năm nay, nhiều người tiêu dùng không chỉ mua sắm tại cửa hàng hay qua các trang thương mại điện tử, mà còn qua các ứng dụng mạng xã hội. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Ba | 03/12/2024 17:17

Mạng xã hội bùng nổ thành "trung tâm mua sắm" mùa cuối năm

TikTok Shop dẫn đầu làn sóng thương mại xã hội tại phương Tây, nhưng vẫn đối mặt nhiều rào cản từ các bên.

Khi năm 2024 gần khép lại, mùa mua sắm cuối năm bước vào giai đoạn cao điểm. Ngày Black Friday (29/11), các nhà bán lẻ đã tung ra những chương trình giảm giá sâu để thu hút khách hàng. Một số chương trình đã bắt đầu từ nhiều tuần trước, và cơn sốt mua sắm quà Giáng sinh cũng đang đến gần.

Năm nay, nhiều người tiêu dùng không chỉ mua sắm tại cửa hàng hay qua các trang thương mại điện tử, mà còn qua các ứng dụng mạng xã hội. Theo eMarketer, social commerce (thương mại xã hội), hình thức mua sắm bắt nguồn từ mạng xã hội, dự kiến đạt 72 tỉ USD tại Mỹ trong năm nay, chiếm 6% doanh số trực tuyến. Con số này tăng từ 47 tỉ USD năm 2022 và có thể chạm mốc 100 tỉ USD vào năm 2026. Đáng chú ý, ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện hoàn toàn trên mạng xã hội mà không cần qua các trang web trung gian.

TikTok, nền tảng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance, đang dẫn đầu xu hướng này. Mặc dù đối mặt với nỗ lực cấm hoặc buộc bán tại Mỹ, TikTok vẫn đặt tham vọng mang mô hình “giải trí kết hợp mua sắm” từ Trung Quốc đến các nước phương Tây. Tại Mỹ và Anh, TikTok Shop, tính năng thương mại điện tử của ứng dụng, cho phép người dùng duyệt sản phẩm, tham gia mua sắm trực tiếp và đặt hàng chỉ sau vài cú nhấp chuột. TikTok thu phí hoa hồng 6% tại Mỹ và 9% tại Anh trên mỗi giao dịch, đồng thời cung cấp dịch vụ logistics như đóng gói, giao hàng và xử lý hoàn trả.

Tuy nhiên, việc đạt quy mô thương mại xã hội như ở Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn tại phương Tây. Ranh giới giữa mua sắm và giải trí gần như đã biến mất ở quốc gia này. Hơn nữa, thương mại xã hội dự kiến chiếm 900 tỉ USD doanh số bán hàng trực tuyến trong năm nay, tương đương gần 30% tổng thương mại điện tử Trung Quốc. 

Douyin, "phiên bản Trung Quốc" của TikTok, cùng đối thủ Kuaishou đã trở thành các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu nước này. Nhưng tại phương Tây, người tiêu dùng vẫn ưu tiên các trang thương mại điện tử truyền thống. Theo khảo sát của Simplicity DX, 62% người Mỹ coi mạng xã hội là kênh hữu ích để khám phá sản phẩm mới, nhưng 74% vẫn chọn mua sắm qua các trang thương mại điện tử truyền thống như Amazon.

Ngoài ra, những sản phẩm trên TikTok Shop hiện chủ yếu là các mặt hàng giá rẻ như đồ ăn vặt hoặc đồ chơi ngẫu hứng, khiến các thương hiệu lớn dè dặt tham gia. Một số doanh nghiệp như Puma hay L’Oréal đã thử nghiệm nền tảng này, coi đây là cách tiếp cận khách hàng hiệu quả. Nhưng nhiều thương hiệu khác, như GymShark, vẫn ngần ngại, bởi TikTok Shop thường tập trung vào các chương trình giảm giá sâu, không phù hợp với chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu cao cấp.

Các nhà sáng tạo nội dung, những người đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng trên TikTok, cũng chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Họ có thể quảng bá sản phẩm cho các thương hiệu với một khoản phí, nhưng thường tránh giới thiệu các mặt hàng giá rẻ phổ biến trên TikTok Shop. Đồng thời, người dùng mạng xã hội tại phương Tây ngày càng cảnh giác với việc nhà sáng tạo biến mình thành "người bán hàng". Ông Samantha Bergmann, nhà sáng lập công ty tiếp thị Sesamy, nhận xét: "Người theo dõi đã thông minh hơn. Chúng ta không thể bán những sản phẩm không phù hợp với thương hiệu của mình”.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, để thành công tại phương Tây, các nền tảng thương mại xã hội như TikTok Shop cần giải bài toán cân bằng giữa tính xác thực, xây dựng niềm tin thương hiệu và hiệu quả bán hàng, một thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Có thể bạn quan tâm:

E-commerce Trung Quốc trước áp lực mới

Nguồn The Economist