Quốc kỳ Nga bay trên trụ sở ngân hàng trung ương Nga ở Moscow, Nga. Ảnh: Bloomberg.
Mặc cho các lệnh trừng phạt, thặng dư của Nga cao kỷ lục nhờ xuất khẩu dầu khí
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt kỷ lục 70,1 tỉ USD trong quý II năm nay, do doanh thu tăng vọt từ xuất khẩu hàng hóa và năng lượng, giúp bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.
Thặng dư tài khoản vãng lai (thước đo thương mại hàng hóa và dịch vụ) của Nga đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1994, theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương công bố hôm 11/07.
Sự sụt giảm nhập khẩu do các lệnh trừng phạt góp phần vào thặng dư nước này. Mức thặng dư lớn đã trở thành “phao cứu sinh” kinh tế quan trọng giữa lúc Mỹ và các nước đồng minh tìm cách cô lập nền kinh tế Nga. Ngân hàng trung ương cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, thặng dư của Nga đạt 138,5 tỉ USD.
Xuất khẩu đạt 153,1 tỉ USD trong quý II, giảm nhẹ so với 166,4 tỉ USD trong quý đầu tiên, theo Ngân hàng Trung ương Nga. Nhập khẩu cũng giảm xuống còn 72,3 tỉ USD từ 88,7 tỉ USD.
“Thặng dư thương mại tăng cao cho thấy rất nhiều điều có lợi cho Nga, từ giá hàng hóa cao cho tới nhu cầu vững vàng tại các thị trường xuất khẩu của nước này. Nhưng nó cũng là một triệu chứng của sự khốn cùng, vì sụt giảm nhập khẩu gây ra gián đoạn trong toàn bộ nền kinh tế ”, ông Scott Johnson, nhà kinh tế Nga chia sẻ.
Dữ liệu mới nhất cho thấy thặng dư đã mở rộng trong tháng 6, lên khoảng 28 tỉ USD từ mức ước tính 14 tỉ USD trong tháng 5. Ngân hàng Trung ương Nga không phân tích dữ liệu hàng tháng, nhưng số liệu có thể được ước tính bằng cách đối chiếu các báo cáo trước đó.
Kể từ khi nổ ra chiến tranh, Nga đã ngừng công bố dữ liệu chi tiết về xuất nhập khẩu nhưng dòng chảy có thể được ước tính từ số liệu do các nước đối tác công bố. Vào tháng 5, nhập khẩu từ 5 nước đối tác thương mại chính của Nga đã ổn định. Nhóm nước này hiện đang chiếm khoảng một nửa thương mại của Nga trong bối cảnh nền kinh tế dần thích nghi và các doanh nghiệp bắt đầu tìm lối đi mới cho hàng hoá.
Thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh, kết hợp với các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ làm hạn chế nhu cầu ngoại hối, đã giúp đồng rúp trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm nay trong số các đồng tiền trên thị trường mới nổi.
Có thể bạn quan tâm:
Toàn cảnh cuộc khủng hoảng dẫn đến Sri Lanka ngày hôm nay
Nguồn Bloomberg