Thứ Hai | 23/03/2015 14:28

Lý Quang Diệu và cái nhìn về cuộc sống

"Tôi không cần tới những câu chuyên vĩ đại trong cuộc sống. Quan trọng là tôi đã làm được những gì mình muốn, bằng mọi nỗ lực".

Lý Quang Diệu từng chia sẻ quan điểm về mọi khía cạnh cuộc sống từ dân chủ, điều hành đến chủ nghĩa khủng bố hay thậm chí về đời tư như chuyện về người vợ quá cố. Ông từng tâm sự: “Kẻ thù lớn nhất của tôi cũng không khiến tôi e sợ khi nói ra những điều mình nghĩ”.

Về đất nước Singapore, ông chia sẻ:

“Chúng ra đã tạo ra đất nước này từ con số 0, từ 150 linh hồn trong một ngôi làng đánh cá nhỏ trở thành miền đất phát triển.

Tôi từng phải hát 4 bài quốc ca, quốc ca Anh “God Save the Queen”, quốc ca Nhật Bản “Kimigayo”, quốc ca Malaysia “Negara Ku” và cuối cùng là quốc ca Singapore “Majulah Singapura”. Đó cũng chính là những biến động chính trị mà tôi trải qua suốt 60 năm qua.

Một trong những chiến lược của tôi là biến Singapore trở thành nơi nghỉ dưỡng hàng đầu tại Đông Nam Á, để nếu như chúng ta có những tiêu chuẩn ở đẳng cấp thế giới, thì các doanh nhân và du khách sẽ chọn Singapore làm cơ sở cho việc kinh doanh và du lịch của họ.

Để thành công, Singapore phải trở thành một trung tâm quốc tế, có khả năng thu hút, giữ chân và nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Đến nay, Singapore thực sự đã trở thành một thương hiệu.

Điều khiến tôi hài lòng nhất chính là tập trung tâm trí để biến Singapore thành mảnh đất của nhân tài, loại bỏ tham nhũng và công bằng cho mọi chủng tộc.

Về dân chủ

Một người, một lá phiếu có thể là khó khăn nhất của một chính phủ. Mỗi người một phiếu bầu quả là vấn đề khó khăn nhất của chính phủ. Theo thời gian, kết quả bỏ phiếu có thể thất thường.  Có những người bị dao động. Họ chán ghét những thành quả ổn định, bền vững trong cuộc sống và ở thời điểm thiếu thận trọng, họ sẽ bỏ phiếu cho mọt sự thay đổi mạo hiểm.

Khác với những gì mà các nhà bình luận chính trị Mỹ nói, tôi không tin dân chủ thực sự mang lại sự phát triển. Theo tôi, điều mà một quốc gia cần để phát triển đó là tính kỷ cương hơn là dân chủ.

Phép thử cuối cùng về giá trị của một hệ thống chính trị đó là liệu nó có giúp xã hội đó tạo lập các điều kiện góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho đại đa số quần chúng, cho phép tối đa quyền tự do cá nhân trong tương quan so sánh với tự do khác trong xã hội.
 
Mặt trái của dân chủ chính là giả định kiểu tất cả đàn ông đều giống nhau và có khả năng cống hiến như nhau đối với lợi ích chung".

Về nước Mỹ

“Trong 2 đến 3 thập niên tới, Mỹ sẽ vẫn là siêu cường duy nhất của thế giới. Mỹ hiện là quốc gia có tiềm lực quân sự và nền kinh tế năng động nhất thế giới. Thông qua sự đổi mới, năng suất và tiêu dùng, Mỹ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay và trong vài thập niên nữa, Mỹ sẽ vẫn nắm ưu thế nổi bật trong việc thiết lập “luật chơi” chính trị, kinh tế toàn thế giới.

Điều giúp kinh tế Mỹ đứng ở vị trí cao nhất hiện nay chính là văn hóa kinh doanh. Các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ đều coi rủi ro và sự thất bại là lẽ tự nhiên và cần thiết để thành công. Do vậy, khi họ thất bại, họ tự đứng dậy và bắt đầu lại từ đầu”.

Về Trung Quốc

Lịch sử hơn 4.000 năm của Trung Quốc là sự cai trị của các triều đại.

“Các nước láng giềng của Trung Quốc không hề bị thuyết phục bởi những luận điệu đầy nghi thức mà họ công bố rằng tất cả nước lớn và nhỏ đều bình đẳng, hay Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn làm bá chủ.

Trung Quốc muốn là Trung Quốc và được chấp nhận như vậy, chứ không phải là thành viên danh dự của phương Tây”.

Về lãnh đạo

Tôi chưa bao giờ là tù binh của bất cứ học thuyết nào. Cái dẫn dắt tôi là nguyên nhân và thực tế. Phép thử mà tôi đã áp dụng cho mọi học thuyết, mọi kế hoạch đó là: Liệu có hiệu quả? Quan trọng là hiệu quả, chứ không phải những lời hứa suông.

Miễn là các nhà lãnh đạo quan tâm, sát sao tới quần chúng, thì họ sẽ tuân thủ theo những người lãnh đạo.

Về người vợ quá cố, về sự sống và cái chết

Bà ấy đã ra đi. Tất cả những gì còn lại chỉ là tro tàn. Tôi rồi cũng sẽ ra đi và cái để lại cũng chỉ là một nắm tro tàn. Vì những lý do tình cảm, hãy để tro cốt chúng tôi ở cạnh nhau. Còn khả năng chúng tôi được gặp nhau ở thế giới bên kia? Nếu được vậy thì tốt quá.

Mọi thứ rồi cũng sẽ đến hồi kết và tôi muốn hồi kết ấy của tôi đến nhanh chóng, không đau đớn nếu có thể. Nếu như một nửa cơ thể rơi vào tình trạng hôn mê trên giường, với một cái ống đưa vào mũi và xuống tới dạ dày, thì thật tệ. Khi đó, con người chẳng hơn một cái xác vô hồn.

Đừng cố can thiệp để cứu vãn. Hãy để tôi được ra đi tự nhiên. Tôi không cần tới những câu chuyên vĩ đại trong cuộc sống. Quan trọng là tôi đã làm được những gì mình muốn, bằng mọi nỗ lực. Như thế tôi cảm thấy hài lòng”.

Nguồn DVO/Time