Lý do thực sự phía sau cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp
Quyết định kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý của Thủ tướng Tsipras đã đặt dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán với eurozone và các chủ nợ quốc tế, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, yêu cầu vào phút cuối về việc gia hạn gói cứu trợ thêm 1 tháng của Hy Lạp đã bị các thành viên eurozone bác bỏ. Sau khi IMF tuyên bố Hy Lạp bị rơi vào tình trạng "chậm trả nợ", quốc gia Châu Âu này đã chính thức bị xếp ngang hàng với các nước Zimbabwe, Sudan và Somalia.
Theo Đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras, mục đích của cuộc trưng cầu dân ý là thông lệ trong nền dân chủ. Syriza cho rằng các nhà lãnh đạo eurozone và chủ nợ quốc tế đang tìm cách hạ bệ chính phủ mới thắng cử của Hy Lạp. Do vậy, cần phải có cuộc trưng cầu dân ý để khôi phục quyền đưa ra quyết định dân chủ cho người Hy Lạp. Việc này sẽ cho phép người dân Hy Lạp - chứ không phải Brussels - quyết định tương lai của Hy Lạp.
Như vậy, Thủ tướng Tsipras đã biến cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại eurozone hay không thành một cuộc bỏ phiếu về việc lựa chọn giữa danh dự quốc gia Hy Lạp hay là chính sách khắc khổ.
Lý do chính của cuộc trưng cầu dân ý là rằng cuộc chơi đầy mạo hiểm kéo 5 tháng của Thủ tướng Tsipras với các chủ nợ có kết quả trái với mong đợi. Và vào thời điểm cần sự lãnh đạo có trách nhiệm, ông Tsipras đã rũ bỏ trách nhiệm bằng cách kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý và đẩy người dân Hy Lạp vào hoàn cảnh khó khăn.
Ông Tsipras rõ ràng đang đặt lợi ích của Đảng Syriza lên trên lợi ích dài hạn của Hy Lạp. Việc ký thỏa thuận với châu Âu sẽ gây ra nguy cơ rạn nứt bên trong Syriza và sự sụp đổ chính phủ của Thủ tướng Tsipras.
Nếu vì lợi ích quốc gia, chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã phải lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc với các chủ nợ sau khi lên nắm quyền vào cuối tháng 1 vừa qua. Nếu cần, cuộc trưng cầu dân ý sẽ thích hợp hơn nếu được tổ chức vào tháng 5/2015 - trước khi đến hạn thanh toán nợ.
Các phe đối lập với Syriza cho rằng Syriza luôn có ý định muốn Hy Lạp rời khỏi eurozone (còn gọi là kịch bản Grexit). Giờ đây dù cố ý hay không thì Grexit có nhiều khả năng sẽ diễn ra.
Thực tế, Hy Lạp thậm chí có thể vỡ nợ về mặt kỹ thuật và ra khỏi eurozone trước cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới đây.
Vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Câu hỏi thứ nhất là liệu chính phủ của Thủ tướng Tsipras có đủ nguồn lực tài chính và hậu cần để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý trong vòng 1 tuần hay không.
Thứ hai, cuộc trưng cầu dân ý dường như có vẻ giống như một biến thể kỳ quái của một thông lệ dân chủ hơn là một điều gì đó thực tế. Rốt cuộc, Hy Lạp đã không thể ký bất kỳ thỏa thuận nào với các chủ nợ. Điều này làm nảy sinh câu hỏi: Người Hy Lạp bỏ phiếu cho điều gì? Đề xuất cuối cùng của các chủ nợ không bao giờ được chấp thuận? Ủng hộ hay phản đối chính sách khắc khổ?
Thứ ba, nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và kinh tế Hy Lạp vẫn đứng vững, điều gì sẽ xảy ra? Một chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng của Thủ tướng Tsipras đồng nghĩa với việc đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài euro của Hy Lạp. Trong khi đó, chiến thắng của phe ủng hộ châu Âu đồng nghĩa với việc công chúng mất lòng tin vào chính phủ của ông Tsipras và về logic, sẽ tạo tiền đề cho một cuộc bầu cử mới và thành lập chính phủ lâm thời để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời gian chuyển tiếp.
Tuy nhiên, ông Tsipras có thể từ chối rời nhiệm sở với tranh luận rằng: Người dân đã đặt tin tưởng vào ông, và vì thế ông có trách nhiệm quay lại Brussels với cương vị Thủ tướng Hy Lạp để đàm phán thỏa thuận cuối cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Nói cách khác, cuộc trưng cầu dân ý về mặt lý thuyết là chỉ nhằm vào chính sách thắt lưng buộc bụng và không phải là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nhưng điều này có nghĩa rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ kéo theo khủng hoảng lập pháp.
Cuộc trưng cầu dân ý cũng có thể mang lại cho ông Tsipras cơ hội rời khỏi chính phủ mà vẫn giữ được thể diện. Thậm chí nếu có thất bại, ông Tsipras vẫn được những người ủng hộ ngợi ca là người bảo vệ nền dân chủ và bảo vệ người dân. Hơn nữa, ông Tsipras vẫn giữ vị trí người lãnh đạo Đảng Syriza.
Nếu bị đánh bại vào ngày 5/7, ông Tsipras vẫn có cơ hội để chiến đấu. Trong khi đó, người dân Hy Lạp sẽ phải tiếp tục vật lộn để tìm kế sinh nhai trước viễn cảnh nền kinh tế trên đà lao xuống vực thẳm, đồng thời có thể kéo theo các nước châu Âu khác.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters