Thứ Tư | 19/06/2013 22:20

Lý do thực sự khiến Fed muốn giảm nới lỏng tiền tệ

Nguyên nhân Fed muốn giảm nới lỏng tiền tệ có lẽ không liên quan trực tiếp đến nền kinh tế mà xuất phát từ lo ngại bong bóng tài sản.
Chuyên gia kinh tế tại Nomura, ông Bob Janjuah, cho rằng: “Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm nới lỏng tiền tệ không phải vì kinh tế quá mạnh hay vì lạm phát ổn định hay nền kinh tế đạt tới mức toàn dụng lao động, trong vài năm tới tất cả viễn cảnh này đều chưa thể xảy ra”.

Thay vào đó, theo ông, Fed lo ngại họ đang tạo ra một bong bóng tài sản, bong bóng này sẽ càng trầm trọng hơn nếu Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Bong bóng tài sản sẽ đe dọa sự ổn định tài chính của Mỹ.

Thực tế, chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ hàng tháng đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt. Kể từ khi Fed công bố gói nới lỏng lần 3 (QE3), vào tháng 9/2012 đến nay, chỉ số Standard & Poor's 500 tăng hơn 12%. Trong khi đó, thị trường việc làm chưa phục hồi đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 là 7,6%, vẫn cao hơn nhiều mục tiêu 6,5%, lạm phát khoảng 1,4%, thấp hơn mục tiêu 2,5%. Tệ hơn, tăng trưởng GDP vẫn dưới 2% trong quý II sau khi đạt 2,4% trong quý I.

Lo ngại bong bóng tài sản do nới lỏng tiền tệ gây ra đã bắt đầu xuất hiện từ cuộc họp trước của Fed khi biên bản họp cho thấy một số thành viên điều hành Fed lo ngại kỳ vọng của thị trường đã tăng quá mức. Việc Fed giảm nới lỏng tiền tệ trước khi kinh tế phục hồi đáng kể có thể sẽ gây xáo trộn trên thị trường.

Trong bối cảnh ngân hàng trung ương toàn cầu nới lỏng chính sách một cách “nguy hiểm”, chuyên gia Janjuah dự đoán đúng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm nay, tuy nhiên, ông dự đoán xảy ra vào quý III. Hiện tại, ông dự đoán, thị trường sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh vào cuối 2013 hoặc đầu 2014 có thể khiến thị trường chứng khoán giảm 25-50%.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Sự kiện