Lương tại Trung Quốc tăng nhanh bất chấp suy giảm tăng trưởng
Một cuộc điều tra 4.242 doanh nghiệp ở Trung Quốc, do công ty tư vấn lao động Manpower Group thực hiện, cho thấy phần lớn các công ty có ý định giữ nguyên số lao động hay tuyển thêm lao động trong quý II. Chỉ có 3% công ty được khảo sát có ý định cắt giảm lao động.
Các nhà máy Trung Quốc đang buộc phải đầu tư cho các công nghệ ít dụng lao động hơn khi tăng lương, do tác động việc thiếu hụt lao động. Dwight Nordstrom, chủ tịch Pacific Resources International ở Bắc Kinh, công ty có 10 nhà máy ở Trung Quốc cho rằng thời của việc chỉ thêm nhân công đã kết thúc.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc là 4,1% giai đoạn kết thúc quý I, mặc dù chỉ là dữ liệu khu vực thành thị và thường được coi là không đáng tin cậy. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 8,2% trong tháng 6, lương chỉ tăng 1,7% trong quý I so với cùng kỳ năm trước. Ở khu vực đồng euro (eurozone) tỷ lệ thất nghiệp lên cao kỷ lục ở 11,1% trong tháng 5.
Điều này trái ngược với tỷ lệ thất nghiệp đáng lo ngại ở Mỹ và châu Âu, đồng thời lý giải tại sao Trung Quốc không vội vàng thực hiện kế hoạch kích thích quy mô lớn như năm 2009.
Trước đây, thương mại toàn cầu sụp đổ đã khiến các nhà máy vùng ven biển sa thải quy mô lớn, đẩy khoảng 20 triệu công nhân di cư về quê ở các ngôi làng, làm gia tăng lo ngại bất ổn xã hội. Do đó, chính phủ Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh chi tiêu vào các dự án đường xá, đường sắt tốc độ cao và các dự án khác để thúc đẩy tăng trưởng.
Tới giờ, suy giảm tăng trưởng vẫn chưa nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng năm 2009. Sheng Laiyn, phát ngôn viên Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, cho biết các thành phố Trung Quốc đã tạo thêm 6 triệu việc làm mới nửa đầu năm nay, và tỷ lệ người có việc làm cũng tăng.
Tuy nhiên, tăng lương cũng mang lại rủi ro. Tại Trung Quốc, lương khởi điểm rất thấp, nhưng đang tăng nhanh. Trung Quốc cam kết tăng mạnh lương tối thiểu, tạo sức ép cho các nhà tuyển dụng tăng lương cho lao động tay nghề cao. Với tốc độ hiện tại, đến năm 2005 lương khu vực sản xuất tư nhân sẽ tăng gấp đôi mức năm 2001. Đến năm 2007 sẽ tăng gấp 3. Điều này gây hại cho xuất khẩu và năng lực cạnh tranh, vốn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng Trung Quốc trước đây.
Chuyển đổi sang nền kinh tế có mức lương cao hơn, với vai trò ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa lớn hơn, sẽ không dễ dàng. Hiện tại, Trung Quốc thực hiện một vài quyết định chính trị khó khăn, gồm mở cửa các khu vực trọng yếu ngành dịch vụ, như viễn thông và ngân hàng. Điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích một số nhóm quyền lực như các doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương. Quá trình chuyển đổi có lẽ sẽ kéo dài hàng năm.
Cùng mức tăng lương có thể vừa khiến hàng hóa Trung Quốc biến mất khỏi thị trường toàn cầu, cũng có thể khiến Trung Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng nước ngoài. Tới giờ, những người hưởng lợi nhiều nhất từ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc là các nhà xuất khẩu hàng hóa như nhà xuất khẩu quặng sắt của Australia, các nhà sản xuất máy móc hiện đại Đức. Trong tương lai, các nhà sản xuất hàng hóa chất lượng cao ở Mỹ và châu Âu có thể có thêm nhiều lợi ích.
Thay đổi trong nước cũng mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trong khi, quy mô lực lượng lao động giữ nguyên, và sẽ bắt đầu giảm tới giữa thập kỷ, tăng sức cạnh tranh cho người lao động, các nhà nhân khẩu học cho biết.
Trong quá khứ, tốc độ tăng trưởng nhanh là yếu tố quan trọng để tạo việc làm cho làn sóng lao động trẻ của Trung Quốc. Nhưng tới giờ, làn sóng đó không còn mạnh mẽ như trước, cùng lúc Trung Quốc tập trung hơn vào phát triển khu vực dịch vụ. Điều này giúp giải thích vì sao có ít báo cáo sa thải, ngay cả khi tăng trưởng GDP Trung Quốc quý II giảm gần 1 nửa so với đỉnh điểm 14,8%. Nó cũng giải thích vì sao các lãnh đạo Trung Quốc có vẻ lạc quan về tăng trưởng chậm.
Cơ sở cho sự phục hồi thị trường lao động Trung Quốc bắt nguồn từ thay đổi nhân khẩu. Chính sách 1 con của Trung Quốc, đưa ra từ năm 1980, đang khiến nguồn cung lao động giảm. Năm 2005, có 120,7 triệu người Trung Quốc trong độ tuổi 15-19, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2010, số này giảm còn 105,3 triệu người, và tới năm 2015 dự đoán sẽ còn khoảng 949 triệu người.
Số lượng nông dân sẵn sàng tới các nhà máy ở thành phố không còn tăng mạnh nữa. Khảo sát về công nhân di cư của Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy con số này khá ổn định ở mức 252,8 triệu người năm 2011, tăng 4,4% từ 242,2 triệu người năm 2010. Tăng trưởng lao động làm việc bên ngoài tỉnh nhà của họ thậm chí còn chậm hơn.
Jennifer Cheung, một biên tập viên tại China Labour Bulletin, một tổ chức Hong Kong theo dõi tranh chấp lao động ở Trung Quốc, cho rằng suy giảm kinh tế nhiều khả năng không tạo sức ép cho tăng lương. Bà cho biết, ít khi thấy có biểu tình về việc giảm lương, mà đa phần biểu tình xảy ra vì công nhân yêu cầu tăng lương.
Nguồn WSJ/ DVT