Các quốc gia của thị trường mới nổi và tiềm năng (Emerging and frontier markets) đã vay lượng tiền cao kỷ lục từ thị trường vốn trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi các nhà điều hành tại ngân hàng trung ương đã cảnh báo "hưng phấn của thị trường nợ" có thể dẫn đến những rắc rối trong tương lai.
Lượng bán trái phiếu nợ quốc tế do các thị trường mới nổi phát hành đạt 69,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Thomson Reuters, sự gia tăng mạnh sẽ khiến 2014 trở thành năm lượng trái phiếu mới phát hành của các thị liên cao nhất từ trước tới nay. Các số liệu này không bao gồm nợ của chính phủ Trung Quốc, vì đó là những trái phiếu không được phát hành trên thị trường vốn quốc tế.
Bhanu Baweja, nhà chiến lược về thị trường mới nổi của UBS cho rằng: "Các quốc gia đang hành động khôn ngoan khi tái cấp vốn các khoản nợ ngắn hạn tại thời điểm lợi suất thấp". Tuy nhiên "chất lượng của trái phiếu phát hành đang giảm xuống và đó là điều phải lo lắng", Baweja nói thêm.
Lãi suất siêu thấp và chính sách tiền tệ phi chuẩn của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới được duy trì trong nhiều nămkể từ sau khủng hoảng tài chính đã giúp lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm xuống. Nhờ đó, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư "đổ tiền" vào các lĩnh vực rủi ro trên thị trường nợ và khuyến khích mạnh mẽ các quốc gia mang vốn đi đầu tư.
Trong tháng 4, Hy Lạp đã gây ấn tượng với 20 tỷ euro trái phiếu phát hành mới lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng đe dọa toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Công hòa Síp cũng đã quay trở lại thị trường nợ chỉ 1 năm sau sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, khiến cho quốc gia này phải cần đến khoản cứu trợ lên đến 10 tỷ euro.
Vào giữa tháng 6, Kenya lập kỷ lục khi trở thành quốc gia châu Phi phát hành trái phiếu chính phủ nhiều nhất với giá trị lên đến 2 tỷ USD. Ngược lại, Ecuador - sau khi vỡ nợ vào năm 2008 cũng đã chào bán thành công 2 tỷ USD nợ mới phát hành.
Một số lo lắng xuất hiện khi chính sách đảo ngược xu hướng siêu nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển diễn ra (chẳng hạn việc rút dần gói nới lỏng định lượng - QE của Mỹ), sẽ khiến cho dòng tiền tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi để đầu tư vào các thị trường phát triển khi lợi suất tăng trở lại cùng lãi suất điều hành.
Trong tháng trước, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tăng gánh nặng nợ trên toàn thế giới. Đối với một số quốc gia, động cơ mua đối với trái phiếu phát hành mới đã giảm xuống đáng kể do lợi suất thấp.
Tuy nhiên, tổng số nợ phát hành mới của các nước thị trường mới nổi vẫn còn nhỏ so với các nền kinh tế phát triển (69,47 tỷ USD tại các thị trường mới nổi so với 157,6 tỷ USD tại các thị trường phát triển trong 6 tháng đầu năm 2014). Jonathan Goulden, nhà chiến lược về thị trường mới nổi tại JP Morgan lập luận, bất kỳ sự gia tăng nào đều mang những triển vọng đến với thị trường tín dụng toàn cầu.
Lượng phát hành nợ nước ngoài của các thị trường mới nổi đang dẫn đầu về tốc độ, nhưng sự tăng trưởng hàng năm ấn tượng còn được kỳ vọng sẽ diễn ra ở cả những thị trường phát triển và mong đợi có nhiều hơn những thị trường mới nổi và tiềm năng bắt đầu tham gia thị trường vốn quốc tế, Goulden nhận định.
Nguồn Theo DVO/Financial Times