Thứ Bảy | 11/05/2013 07:27

Lượng khí thải nhà kính trong khí quyển Trái Đất lên cao chưa từng có

Nồng độ khí carbon dioxide trong không khí đã vượt qua ngưỡng nguy hiểm và ở mức chưa từng có trong lịch sử Trái Đất, các nhà khoa học cảnh báo.
Theo các nhà khoa học, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã vượt quá mốc 400 ppm (đơn vị đo mật độ khí hiếm trong không khí, nghĩa là 1 phần 1 triệu và bằng 1mg/kg). Tình trạng báo động này làm dấy lên các cuộc kêu gọi hành động mới nhằm làm giảm quy mô khí nhà kính trong không khí.

Các nhà khoa học nhận định đây là một thông điệp quan trọng cảnh báo các nước phải nhanh chóng đảo ngược những thiệt hại đối với môi trường do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Một chuyên gia cho biết Trái Đất chưa bao giờ chứng kiến mức độ khí nhà kính cao đến như vậy trong suốt 3 đến 5 triệu năm, rất lâu trước khi con người tồn tại, thời điểm đó nhiệt độ Trái Đất ấm hơn vài độ C và mực nước biển cũng cao hơn 20-40m so với ngày này.

Giám đốc chính sách viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu thuộc trường Kinh tế London, ông Bob Ward, cho biết: "Chúng ta đang khiến Trái Đất quay lại khí hậu thời tiền sử, trong đó xã hội loài người sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn cũng như nhiều thảm họa tiềm tàng".

Theo các nhà khoa học, sự gia tăng đột ngột của khí nhà kính là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử Trái Đất và phải mất hàng trăm năm để giảm nồng độ CO2 thông qua quá trình lưu giữ carbon tự nhiên.

Nhà vật lý khí quyển kiêm trưởng khoa vật lý tại trường Imperial College London, bà Joanna Haigh, cho biết với nồng độ khí CO2 liên tục tăng như hiện tại, Trái Đất sẽ ấm lên khoảng 2 độ C, đây là ngưỡng nhiệt độ các nhà khoa học rất lo ngại, bởi nó có thể gây nên nhiều thảm họa ảnh hưởng tới xã hội loài người.

Trong khi đó, giám đốc viện Grantham, ông Brian Hoskins, thì nhận định nồng độ CO2 của Trái Đất sẽ lên mức 800 ppm vào cuối thế kỷ này.

Nguồn NYTimes/Dân Việt


Sự kiện