Thứ Sáu | 01/11/2013 20:23

Luật phá sản Mỹ mang "người hùng" Kodak trở lại như thế nào?

Sau General Motors, Kodak là người khổng lồ tiếp theo thoát khỏi phá sản nhờ Chương 11, Luật Phá sản Mỹ.
Sự kì diệu của "Chương 11" của Luật Phá sản Mỹ một lần nữa đã trở thành hiện thực. Quy định này cho phép các công ty tiếp tục được hoạt động khi đã tuyên bố phá sản. Nhờ đó mà các công ty có thời gian để tái cấu trúc mà không phải lo lắng về những khoản nợ. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn tài chính nhưng được đánh giá có khả năng phục hồi mới được xem xét xin bảo hộ phá sản theo điều khoản này.

Chương 11 từng giúp những "người khổng lồ" trên Phố Wall (Wall Street) tái sinh từ đống tro tàn. Sau khi phá sản trong cơn bão tài chính năm 2009, đúng một năm sau đó, tập đoàn xe hơi hàng đầu của Mỹ General Motors đã nộp đơn xin trở lại tham gia các giao dịch trên sàn chứng khoán. Lần này đến lượt một "người khổng lồ sa ngã" khác trong ngành công nghiệp Mỹ cũng quay trở, đó là Kodak.

Thay đổi từ những "chữ cái"

Ngôi sao một thời trong lĩnh vực phim ảnh đã tuyên bố hôm 29/10 rằng, một lần nữa Kodak sẽ được niêm yết trở lại trên Sàn Chứng khoán New York (NYSE) bắt đầu từ ngày 1/11.

Đúng 20 tháng trôi qua kể từ ngày Kodak phá sản, tập đoàn đã hoàn toàn thay đổi như chính sự ra đi của mã cổ phiếu quen thuộc của tập đoàn. Tháng 1 năm ngoái, cái tên EK (Eastman Kodak) đã được thay thế bằng KODK, mã cổ phiếu của Kodak trên sàn NYSE kể từ ngày hôm nay.

Nhưng chắc chắn, những thay đổi của Kodak còn vượt hơn vài chữ cái. Trước tiên, nhà sáng lập Eastman Kodak đã nhường lại chiếc ghế Giám đốc điều hành cho Antonio Perez. Tập đoàn Kodak không sản xuất máy ảnh nữa và cũng đã bán dịch vụ làm ảnh trực tuyến, bằng sáng chế liên quan đến bản in ảnh và tài liệu in cho một quỹ hưu trí của Anh. Nhà hát danh tiếng mang tên Kodak, nơi thường diễn ra lễ trao giải Oscar cũng bị đổi tên thành Nhà hát Dolby, sau khi Công ty công nghệ thu âm Dolby Laboratories giành quyền tiếp quản từ tay Kodak.

Nhớ lại thời điểm doanh số bán tụt dốc không phanh. Nếu như năm 2004, Kodak đạt 13,3 tỷ USD doanh thu thì vào thời điểm phá sản (tháng 1/2012), con số trên chỉ còn lại 6 tỷ USD. Trong năm 2013, Kodak tiếp tục giảm chỉ tiêu doanh thu xuống còn 2,7 tỷ. Với chỉ với 8.500 nhân viên hiện tại so với 145.000 nhân viên trong thời kì vàng son của mình, dường như Kodak "hân hoan" trở lại sàn chứng khoán nhưng vẫn không giấu nổi một "gương mặt buồn".

Giám đốc điều hành hiện tại của Kodak, ông Antonio Perez cho biết trên Forbes: "Đây là thời điểm quan trọng đối với Kodak, sự thay đổi biểu tượng phản ánh một thực tế rằng, chúng tôi là một công ty mới, tập trung vào các sản phẩm dành cho doanh nghiệp, được đầu tư vốn tốt và chắc chắn sẽ tạo ra giá trị cho các cổ đông và sự đổi mới kĩ thuật cho khách hàng". Kể từ khi sụp đổ, tập đoàn đã chuyển đổi sang lắp ráp cảm biến, máy in tia mực siêu nhanh, màn hình cảm ứng cho máy tính bảng và điện thoại smartphone.
Đổi mới

"Hãy tìm ví dụ về một công ty trải qua quá trình tái cấu trúc tồi tệ và tiếp tục đổi mới . Đó không phải là điều đơn giản, nhưng chúng tôi đã làm điều đó", ông Perez chia sẻ.

Kodak đã phát triển một hệ thống in ấn có độ phân giải cao, cực kỳ linh hoạt và không hề tốn kém. Kodak cũng đang nghiên cứu về Indi, một kim loại khá hiếm, được sử dụng để sản xuất màn hình cảm ứng, được các chuyên gia kì vọng vừa đạt được tính linh hoạt vừa với chi phí phải chăng.

Phép thử từ điều kì diệu

Sự trở lại thị trường chứng khoán sẽ là một thử nghiệm tốt của Kodak để biết liệu các nhà đầu tư có tin tưởng vào tính khả thi của "Kodak mới" hay không. Tuy nhiên, việc thoát khỏi phá sản đầu tháng 9 và bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán không chỉ là thành công của riêng Kodak, điều thú vị là một lần nữa, Kodak lại trở thành một ví dụ cho điều kì diệu mà Chương 11, Luật phá sản Mỹ đã mang lại. Đúng như cách mà GM đã đứng dậy sau cơn bão khủng hoảng, doanh nghiệp có thêm thời gian đê tái cấu trúc, tiếp tục hoạt động mà không lo về các khoản nợ.

Nguồn Forbes, FT, WSJ/Dân Việt


Sự kiện