Thứ Bảy | 25/08/2012 15:17

Lựa chọn nào cho eurozone?

Chi phí và rủi ro cho Đức cũng như toàn khu vực đồng euro (eurozone) với bất kỳ lựa chọn tan vỡ hay giải cứu eurozone đều không rẻ chút nào.
a

Với tình cảnh hiện nay của eurozone khi Hy Lạp gần như vỡ nợ, ngay cả thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phải tính tới eurozone tan rã. Tờ The Economist thực hiện một ước tính sơ bộ dẫn tới kết quả tại thời điểm hiện tại, có lẽ hàn gắn lại khối sẽ bớt tốn kém hơn để khối tan rã, tuy nhiên nếu châu Âu vẫn tiếp tục tranh cãi, mọi việc có thể thay đổi.

Lựa chọn đầu tiên là cắt Hy Lạp khỏi eurozone. Nhiều người cho rằng chi phí loại bỏ Hy Lạp khỏi eurozone để học một bài học hữu ích không đắt đỏ lắm, nhưng thực tế Đức có thể mất đến 4% GDP nếu Hy Lạp rời khối.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sở hữu lượng trái phiếu Hy Lạp có giá trị 40 tỷ euro (50 tỷ USD), có thể biến thành những đồng drachma vô giá trị. Khoản nợ 130 tỷ euro khác Hy Lạp đã nhận cứu trợ cũng có thể bị xóa một phần, hoặc xóa hoàn toàn. Đồng thời, khoản nợ tạm thời 100 tỷ euro lũy kế trong hệ thống thanh toán của ECB cũng có thể được cân nhắc là một khoản lỗ.

Ngoài ra, thêm 50 tỷ euro trợ cấp 1 lần cho Hy Lạp đẩy tổng chi phí nếu Hy Lạp rời khối lên tới 320 tỷ euro. Dù chỉ là phỏng đoán, tỷ lệ của Đức trong đó có thể chiếm tới 110 tỷ euro, khoảng 4% GDP nước này. Con số này có thể không đáng là bao, bởi dù sao đó cũng là cái giá để người dân Đức thoát khỏi ràng buộc với Hy Lạp.

Tuy nhiên, tính tới các tác động tới các nước khác thì chi phí không chỉ dừng lại ở con số đó. Ireland, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp và Tây Ban Nha từng nước nợ các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 80-100% GDP của họ (tổng số đương nhiên là một khoản lớn hơn nhiều).

Hy Lạp ra khỏi khối có thể đẩy lợi suất trái phiếu các nước Nam Âu tăng mạnh. Những người gửi tiền trong nước ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng. Khi điều này xảy ra, bà Merkel có thể phải chịu áp lực trả bất kỳ giá gì để cứu phần còn lại của eurozone. Bà sẽ không có thời gian để đàm phán về kỷ luật toàn châu Âu như bà đã luôn yêu cầu cho các khoản cứu trợ từ Đức nữa. Khoản chi phí này có thể không ước tính nổi.

Một kế hoạch táo bạo hơn, là cắt tất cả các nước yếu kém, gồm Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và cả Cộng hòa Síp khỏi khối. Italia, với nợ nước ngoài khoảng 21% GDP có thể ở lại. Mặc dù Italia mắc nợ lớn và thiếu cạnh tranh, bà Merkel sẽ nhận ra eurozone không thể giữ đúng chức năng chính trị nếu thiếu Italia.

Chi phí kế hoạch này có lẽ sẽ còn cao hơn. Tổng cộng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ của ECB, nợ tạm thời trong hệ thống thanh toán, các khoản nợ bị xóa, và khoản tiền để xoa dịu thiệt hại có thể lên tới 1.150 tỷ euro. Điều này có thể khiến Đức phải bơm tiền vào chính các ngân hàng bị thiệt hại do dính líu tới 5 nước này của mình. Đồng thời, chính chính phủ Đức cũng trực tiếp mất 500 tỷ euro, hay 20% GDP.

Tuy nhiên, đây có thể là "món hời" nếu so với khoản tiền chưa thể ước tính để bảo vệ 4 nước yếu kém sau khi Hy Lạp rời khối. Đồng thời, sau khi cắt bỏ những phần yếu kém, eurozone có thể sẽ hợp nhất hơn.

a
Nếu cả hai phương án tan vỡ đều có vẻ không hấp dẫn lắm, thì cách tốt nhất sẽ là gì? Một giải pháp là các thành viên có thể hợp sức tạo nên một liên minh ngân hàng và cùng nhau khoanh vùng các khoản nợ chưa trả, đưa ra các chính sách thắt lưng buộc bụng vừa phải, cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Phương án này cũng tốn kém không ít.

Tái cơ cấu các ngân hàng và cấp vốn cho cơ chế đảm bảo tiền gửi trên toàn châu Âu có lẽ tốn khoảng 300-400 tỷ euro. Đức có lẽ sẽ phải trả 1/3 cho số đó. Tuy nhiên chi phí này có thể chỉ mất 1 lần và sẽ được các ngân hàng trả lại.

Đảm bảo nợ có thể tăng chi phí lãi suất của Đức khoảng 15 tỷ euro hay nhiều hơn mỗi năm. Con số này khá cao, nhưng thậm chí ngay khi chấp nhận cho các nước phía Nam vay thêm, chi phí giải cứu có thể rẻ hơn là tan rã. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tính tới các chi phí chính trị khổng lồ nếu eurozone tan rã.

Giải pháp tờ The Economist đưa ra có lẽ giống những gì bà Merkel dự định sẽ làm. Tuy nhiên mọi phương thuốc chỉ là vô dụng nếu không bao giờ được sử dụng. Châu Âu có thể đã được cứu từ lâu, nếu các chính trị gia thống nhất ai nên trả cái gì, và cần xóa bao nhiêu nợ quốc gia. Tuy nhiên, họ đã không quyết liệt hành động mà thay vào đó chỉ chờ đợi, hy vọng cải cách tài chính và cấu trúc sẽ giúp kinh tế Nam Âu tăng trưởng.

Giờ đây, bà Merkel cũng như các chính trị gia không còn thời gian. Những yếu kém của kinh tế Nam Âu ngày càng sâu sắc và lan rộng sang miền Bắc. Cả 2 khu vực đều rã rời, miền Nam thì mệt mỏi với các biện pháp thắt lưng buộc bụng, còn miền Bắc mệt mỏi vì phải giải cứu miền Nam. Ngay lúc này, phá vỡ eurozone có vẻ nguy hiểm hơn hàn gắn, nhưng trừ khi bà Merkel dứt khoát hơn, sự lựa chọn còn lại có lẽ sẽ chỉ là tan rã sớm hay muộn với chi phí khác nhau mà thôi.

Nguồn The Economist/Khampha


Sự kiện