Thứ Ba | 23/10/2012 08:10

Lựa chọn kinh tế khó khăn cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu hụt hơi, và các nhà lãnh đạo mới phải đối mặt với lựa chọn khó khăn để duy trì tăng trưởng.
Theo các nhà phân tích, vấn đề của các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là họ dường như không có được những giải pháp tham vọng. Thậm chí, để vực dậy nền kinh tế đang chậm lại, họ sẽ buộc phải giải quyết một số quyền lợi cố hữu.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo, nếu các nhà lãnh đạo mới cứ tiếp tục trì hoãn hành động, hâu quả xảy đến với nền kinh tế có thể sẽ rất nghiêm trọng. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (World Bank), nếu không có sự thay đổi, tăng trưởng hàng năm của kinh tế Trung Quốc có thể giảm còn 5% vào năm 2015 - mức tăng trưởng được liệt vào cấp độ nguy hiểm theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Một số phân tích khác thậm chí còn đưa ra dự báo ảm đạm hơn.

World Bank cảnh bảo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm còn 5% trong năm 2015 nếu không nhanh chóng thực hiện cải cách.
World Bank cảnh bảo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm còn 5% trong năm 2015 nếu không nhanh chóng thực hiện cải cách.

Theo các cố vấn kinh tế riêng của chính phủ, Trung Quốc cần tìm mọi cách để thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng, đồng thời đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư. Điều đó sẽ đòi hỏi phải mở nhiều ngành công nghiệp hơn nữa cho các doanh nghiệp và buộc các công ty nhà nước phải cạnh tranh để tồn tại. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhà nước cũng phải tăng cường cho vay các doanh nghiệp tư nhân thiếu tín dụng.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm mới nhất, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ thực hiện cải cách sâu rộng nền kinh tế. Trong cuộc họp chính phủ hồi tháng 3 năm nay, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng xin lỗi vì không kịp thời đổi mới, đồng thời cam kết sẽ hành động nhanh hơn nữa để lấy lại sức mạnh cho kinh tế Trung Quốc.

World Bank và Trung tâm nghiên cứu phát triển Trung Quốc cũng đã đề xuất một lộ trình cải cách kinh tế đầy tham vọng, trong đó kêu gọi thu hẹp quy mô các ngành công nghiệp nhà nước, đồng thời mở rộng thị trường với các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. World Bank cũng cảnh báo nếu không mở rộng theo hướng này, Trung Quốc có thể sẽ mắc vào bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, việc thực hiện những cải cách này là điều hoàn toàn không đơn giản, bởi một vài trong số đó sẽ đụng chạm đến lợi ích cố hữu của một số thành phần quan trọng trong kinh tế Trung Quốc, điển hình là cách doanh nghiệp nhà nước cùng một số quan chức và lãnh đạo địa phương.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Indiana, ông Scott Kennedy, nhận định: "Thử thách lớn nhất với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đó là, liệu họ có thể thực hiện cải cách triệt để ngay cùng một lúc? Trên thực tế, điều này rất khó xảy ra bởi quyền lực của những nhà lãnh đạo này không đủ lớn. Trước mắt họ là những lợi ích cố hữu, không phải ngay lập tức có thể giải quyết được".

World Bank cho rằng Trung Quốc cần thu hẹp quy mô các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời mở rộng thị trường cho doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.
World Bank cho rằng Trung Quốc cần thu hẹp quy mô các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời mở rộng thị trường cho doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.
Ngoài ra, một vấn đề nữa đó là các nhà lãnh đạo mới sẽ phải cắt giảm quy mô của ngành công nghiệp nhà nước như thế nào, bởi đây là khu vực tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho kinh tế Trung Quốc, đồng thời mang lại nguồn thu lớn giúp củng cố sức mạnh của chính phủ.

Bên cạnh đó, những ông chủ của các tập đoàn nhà nước thường là do chỉ định và những người này có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn. Thậm chí, một số nhân vật có thể được cất nhắc lên các vị trí lãnh đạo.

Doanh nhân người Mỹ tại Bắc Kinh, ông James McGregor, cho biết: "Quyền lực của những ông chủ tập đoàn nhà nước Trung Quốc là rất lớn, thậm chí còn vượt qua cả những nhà lãnh đạo tương lai. Điều đó nghĩa là sẽ rất khó khăn để phá vỡ những lợi ích cố hữu và thực hiện cải cách. Mặc dù vậy, nếu không nhanh chóng thực hiện, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể duy trì mức tăng trưởng hiện tại".

Nguồn AP/Khampha


Sự kiện