Los Angeles có cơ hội lớn để hưởng lợi về mặt kinh tế từ Thế vận hội. Ảnh: NYTimes.

 
Lam Ngọc Thứ Bảy | 17/08/2024 13:00

Los Angeles đón đầu Thế vận hội 2028 như thế nào?

Los Angeles nâng cấp hạ tầng để chuẩn bị cho Thế vận hội 2028, với mục tiêu biến sự kiện thành nguồn thu lớn, không phải gánh nặng kinh tế.

Los Angeles đang trong quá trình chuẩn bị đón chào Thế vận hội 2028, với hàng loạt công trình xây dựng được triển khai khắp nơi nhằm nâng cấp hạ tầng và sẵn sàng đón tiếp hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ba dự án chính bao gồm mở rộng hệ thống đường sắt, cải tạo sân bay và nâng cấp trung tâm hội nghị tại trung tâm thành phố, nơi sẽ tổ chức 5 môn thi đấu đặc biệt, sẽ để lại tác động lâu dài cho khu vực này. 

Thành phố Los Angeles đã nhìn nhận Thế vận hội như một cơ hội để thu lợi, chứ không phải là một khoản chi phí. Năm 2019, hai năm sau khi Los Angeles được trao quyền đăng cai Thế vận hội, cựu thị trưởng Eric Garcetti đã kỳ vọng thành phố sẽ thu về 1 tỉ USD từ sự kiện này. Đối với thị trưởng hiện tại, bà Karen Bass, việc tổ chức Thế vận hội không chỉ là cơ hội để giới thiệu các điểm đến quen thuộc như Hollywood hay Venice Beach, mà còn là dịp để kết nối du khách với các doanh nghiệp nhỏ khắp thành phố.

“Chúng tôi cần phải đảm bảo Thế vận hội mang lại lợi ích kinh tế và thành phố Los Angeles không phải chịu tổn thất nào về mặt tài chính”, bà Bass cho biết.

Thế vận hội 1984 tại Los Angeles được coi là một trong những kỳ Thế vận hội mùa hè hiện đại thành công nhất về mặt tài chính, nhờ vào việc tận dụng các cơ sở hiện có. Tuy nhiên, việc lặp lại thành công đó sẽ là một thách thức không nhỏ.

Thế vận hội 1984 tại Los Angeles được coi là một trong những kỳ Thế vận hội mùa hè hiện đại thành công nhất về mặt tài chính. Ảnh: NYTimes.
Thế vận hội 1984 tại Los Angeles được coi là một trong những kỳ Thế vận hội mùa hè hiện đại thành công nhất về mặt tài chính. Ảnh: NYTimes.

Giáo sư Jadrian Wooten, Đại học Virginia Tech, chuyên nghiên cứu về kinh tế thể thao và lao động, cho biết những lợi ích về tiền bạc mà các chính trị gia háo hức đăng cai Thế vận hội thường hứa hẹn như cải thiện cơ sở hạ tầng, du lịch phát triển và việc làm mới thường bị phóng đại.

Nhóm tư nhân LA28, đơn vị tổ chức Thế vận hội, ước tính ngân sách khoảng 7 tỉ USD để trang trải chi phí liên quan đến tổ chức sự kiện, bao gồm lễ khai mạc và bế mạc.

Nhằm đảm bảo việc tổ chức Thế vận hội năm 2028 diễn ra suôn sẻ, các quan chức Los Angeles và các nhà lập pháp California đã đồng ý xây dựng nền tảng tài chính, cam kết rằng người dân đóng thuế sẽ chịu trách nhiệm cho bất kỳ chi phí nào vượt quá ngân sách dự kiến. Thành phố đã cam kết chịu trách nhiệm cho chi phí ban đầu là 270 triệu USD, trong khi bang California sẽ góp 270 triệu USD và Los Angeles sẽ chịu trách nhiệm cho các chi phí phát sinh thêm.

Nhiều kỳ Thế vận hội đã vượt ngân sách dự kiến. Chẳng hạn như Thế vận hội Tokyo đã bị hoãn do đại dịch năm 2021 có tổng chi phí lên tới 14 tỉ USD, vượt quá ngân sách dự kiến khoảng 128%, theo một nghiên cứu của Đại học Oxford về chi phí Thế vận hội. Ngoài ra, Thế vận hội Rio de Janeiro năm 2016 là kỳ Thế vận hội mùa hè đắt đỏ nhất từ trước đến nay với chi phí lên tới 24 tỉ USD, vượt ngân sách 352%.

Theo Giáo sư Wooten, Los Angeles có cơ hội lớn để hưởng lợi về mặt kinh tế từ Thế vận hội, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu họ tuân thủ các bài học từ quá khứ, nhất là việc nhấn mạnh vào tính bền vững và tránh xây dựng các cơ sở mới từ đầu.

Mặc dù chi phí lớn, nhóm LA28 đã cam kết sẽ bảo đảm chi phí này thông qua việc tận dụng doanh thu từ tài trợ, bán vé, bản quyền truyền hình toàn cầu và các khoản thanh toán từ Ủy ban Olympic Quốc tế. “Hầu hết các hoạt động tuyển dụng và chi tiêu trực tiếp của LA28 cho Olympic sẽ diễn ra tại địa phương”, ông Casey Wasserman, Chủ tịch LA28, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ "bẫy thu nhập trung bình"

Nguồn NYTimes