Chủ Nhật | 17/11/2013 14:51

"Lời tự thú" của "chuyên gia" nới lỏng định lượng

"Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi xin lỗi, nước Mỹ" (Andrew Huszar).
Andrew Huszar là chuyên gia tại trường kinh doanh Rutgers. Ông từng là giám đốc tại Morgan Stanley. Trong 2 năm 2009 và 2010, ông quản lý chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) trị giá 1.250 tỷ USD của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Bài viết này là chia sẻ của ông về chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Fed.

* Wall street và Main street là cách chơi chữ nhằm thể hiện sự phân chia trong xã hội Mỹ. Wall Street (phố Wall) được dùng để chỉ tầng lớp thượng lưu – thành phần nhận được đa số lợi ích từ các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ. Trong khi đó, Main street (phố chính) ám chỉ tầng lớp trung lưu – những người phải chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế.

Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi xin lỗi, nước Mỹ. Là một cựu quan chức của Fed, tôi phải chịu trách nhiệm về chương trình mua trái phiếu ồ ạt được biết đến với tên gọi nới lỏng định lượng của Fed. NHTW Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện QE, coi nó như một công cụ để giúp đỡ "phố chính". Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng bản chất thực sự của chương trình này phải là: gói cứu trợ qua "cửa hậu" lớn nhất từ trước tới nay của phố Wall.

Cách đây 5 năm về trước, cũng vào tháng 11, Fed bắt đầu triển khai chương trình nới lỏng định lượng lớn chưa từng có. Cũng vào thời điểm khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm, Quốc hội Mỹ thông qua chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) nhằm tránh kịch bản hệ thống ngân hàng Mỹ sụp đổ. Mặc dù vậy, ở bên ngoài phố Wall, nền kinh tế Mỹ vẫn chật vật. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2008, gần 2 triệu người Mỹ mất việc làm.

Fed bày tỏ ý muốn góp phần vực dậy nền kinh tế thông qua một chương trình mua trái phiếu hoàn toàn mới. Chương trình này cũng có những mục tiêu khác, nhưng Chủ tịch Ben Bernanke khẳng định mục tiêu lớn nhất của Fed là tạo điều kiện tín dụng thuận lợi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, giảm chi phí tín dụng để nhiều người Mỹ có thể chống chọi tốt hơn với khủng hoảng.

Câu chuyện của tôi bắt đầu một vài tháng sau đó. Tính tới đầu năm 2008, tôi đã làm việc ở Fed tới gần 7 năm. Mùa xuân 2009, tôi đã chuyển sang làm việc trên phố Wall. Tuy nhiên, tôi đã nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ. Tôi có thể trở lại Fed với công việc quản lý chương trình mua 1.250 tỷ USD MBS trong 12 tháng.

Đây là một công việc trong mơ, nhưng tôi cũng lưỡng lự. Đó không chỉ là tâm trạng lo lắng khi phải đảm nhiệm trách nhiệm lớn. Tôi đã rời Fed trong nỗi thất vọng, chứng kiến Fed ngày càng nhân nhượng phố Wall như thế nào. Độc lập là "trái tim" của bất kỳ NHTW nào, và tôi buộc phải nhận xét rằng yếu tố độc lập của Fed đang dần dần bị xói mòn.

Trong lịch sử gần 100 của mình, Fed chưa từng mua trái phiếu thế chấp. Giờ đây, chương trình mà tôi phụ trách lại mua vào với khối lượng quá lớn. Hành động này có thể khiến giá trái phiếu tăng lên quá cao và phá hủy niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với các thị trường tài chính chủ chốt. Chúng tôi đã làm việc cật lực để bảo vệ quan điểm Fed biết điều gì đang diễn ra.

Không lâu sau đó, những mối lo ngại cũ của tôi xuất hiện trở lại. Chương trình mà tôi đang điều hành đã không thể giúp tầng lớp trung lưu dễ dàng tiếp cận với tín dụng. Số lượng khoản vay càng ngày càng giảm. Tồi tệ hơn, nguồn vốn cũng không hề rẻ. QE có thể đã giúp ngân hàng giảm chi phí bán buôn khi phát hành các khoản nợ, nhưng người được hưởng lợi là phố Wall.

Một số quan chức của Fed cũng bắt đầu lên tiếng lo ngại QE không diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu. Trong quá khứ, các lãnh đạo của Fed - kể cả khi họ đã mắc sai lầm - sẽ bị ám ảnh bởi những lo lắng về các chi phí so với lợi ích của số đông. Giờ đây, dường như nỗi ám ảnh duy nhất là các khảo sát mới nhất về kỳ vọng của thị trường tài chính hoặc những phản hồi từ các sếp ngân hàng và quản lý quỹ đầu cơ trên phố Wall.

Vòng nới lỏng định lượng đầu tiên kết thúc vào ngày 31/3/2010. Kết quả cuối cùng khẳng định rằng, trong khi phố chính chỉ nhận được sự trợ giúp không đáng kể, chương trình mua trái phiếu của thực sự là một "cuộc đảo chính" của phố Wall. Các ngân hàng không chỉ hưởng lợi từ chi phí cho vay thấp hơn mà còn có thể tăng vốn nhờ giá trị chứng khoán họ đang nắm giữ tăng lên và nhận được khoản hoa hồng béo bở từ các giao dịch trong quá trình thực hiện QE. Năm 2009 và 2010 là những năm phố Wall ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục.

Bạn có thể nghĩ rằng Fed nên dừng QE ngay lập tức. Trái ngược với suy luận trên, chỉ một vài tháng sau - sau khi TTCK Mỹ rơi 14% và ngành ngân hàng một lần nữa gặp nguy hiểm - Fed tung ra gói QE2. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble ngay lập tức gọi quyết định này là "không có cơ sở". Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng Fed đã mất đi khả năng suy nghĩ độc lập và không chịu ảnh hưởng từ phố Wall.

Chúng ta đang ở đâu? Fed đang mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và liên tục trì hoãn taper (giảm dần cho đến hết gói QE). 5 năm qua, số trái phiếu mua vào đã vượt quá con số 4.000 tỷ USD. Điều đáng ngạc nhiên là, trong một quốc gia được cho là theo cơ chế thị trường tự do, QE trở thành biện pháp can thiệp vào thị trường tài chính lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Hệ quả là gì? Kể cả theo tính toán tích cực nhất của Fed, chương trình QE trong 5 năm qua chỉ tạo ra một vài điểm phần trăm nhỏ nhoi cho tăng trưởng. Các chuyên gia bên ngoài Fed (như Mohammed El Erian của Pimco) cho rằng tổng cộng các gói QE tạo nên 0,25% GDP. Tất cả các tính toán này chỉ ra rằng thực sự thì QE chẳng làm được gì cả.

Trừ khi bạn ở phố Wall. Các ngân hàng Mỹ đã chứng kiến giá các chứng khoán mà họ đang nắm giữ tăng gấp 3 lần kể từ tháng 3/2009. 0,2% các ngân hàng lớn nhất đang kiểm soát hơn 70% tài sản của hệ thống ngân hàng nước Mỹ.

Bởi vì QE đã miệt mài bơm tiền vào các thị trường tài chính trong suốt 5 năm qua, Washington quên mất rằng họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự: nền kinh tế không hợp lý về mặt cấu trúc. Các thị trường tài chính liên tiếp tăng điểm nhưng vấn đề là trong bao lâu? Các chuyên gia như Larry Fink (từ BlackRock) cho rằng các điều kiện cho thấy thị trường đang xuất hiện bong bóng. Trong khi đó, nước Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào phố Wall để lái xu hướng tăng trưởng.

Kể cả khi thừa nhận những điểm yếu của gói QE, Chủ tịch Bernanke vẫn cho rằng Fed nên hành động hơn là ngồi im một chỗ. Lập luận được đưa ra là Fed đang bù đắp cho việc Washington hoạt động không đúng chức năng. Tuy nhiên, chính Fed đang ở trong tình trạng đó khi để cho QE trở thành chính sách "quá lớn để loại bỏ" trên phố Wall.

Nguồn CafeF


Sự kiện