Lối thoát nào cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại?
Mỹ không nương tay
Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại vào quý III.2018. Theo số liệu do cơ quan thống kê quốc gia thông báo hôm 19.10.2018, tăng trưởng của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 9, chỉ là 6,5%, thấp hơn dự báo của Bắc Kinh. Đây được xem là mức thấp nhất từ 2009. Giới chuyên gia cho rằng chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục tạo áp lực lên mức tăng trưởng trong những tháng tới.
Ngoài ra, chiến tranh thương mại còn khiến thị trường chứng khoán trở thành một trong những thị trường tệ nhất thế giới với mức sụt giảm rất mạnh, cùng với đó là việc đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá, có thể gây ra làn sóng rút vốn ra khỏi Đại lục như đã từng xảy ra vài năm trước.
Trong vài tháng qua, ngoài việc áp thuế nhập khẩu, hạn chế đầu tư Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Trump còn thực hiện nhiều động thái cô lập kinh tế Trung Quốc. Ví dụ như khi ký hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), ông Trump đã thêm điều khoản quan trọng rằng, nhà Trắng muốn nhân rộng trong các hiệp định trong tương lai là áp đặt các giới hạn về khả năng của các đối tác thương mại để đạt các thỏa thuận riêng biệt với Trung Quốc.
Chính quyền Trump rõ ràng là đã chuẩn bị cho một chiến lược “chống” Trung Quốc toàn diện. Và trong một động thái mới nhất, Washington dường như đã chuẩn bị tung đòn quyết định, là áp dụng thuế quan lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, nếu cuộc gặp sắp tới giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump không đạt được những thành quả tích cực. Điều này sẽ diễn ra, bất chấp việc áp thuế có thể khiến chi phí gia tăng ở tại chính nước Mỹ, cho thấy ông Trump quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông nói với những người ủng hộ tại Mỹ trong một cuộc vận động tranh cử vào cuối tuần trước rằng: “Chúng ta sẽ chiến thắng, bạn biết vì sao mà”.
Điều mà ông Trump muốn nhắc đến có lẽ là kim ngạch và mức thặng dư xuất khẩu lớn của Trung Quốc có được với Mỹ. Trong tháng 8, thâm hụt thương mại Mỹ Trung đã lên đến 38,5 tỷ USD, một mức kỷ lục. Các chuyên gia nhận định mức thâm hụt trên thể hiện sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một công xưởng của thế giới, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đến Đại lục đầu tư và xuất ngược trở lại thị trường Mỹ, góp phần lớn vào sự tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong 20-30 năm qua. Tuy nhiên, dưới sức ép từ các lệnh áp thuế nhập khẩu, các công ty nước ngoài hay chính các công ty nội địa Trung Quốc, vốn xuất khẩu sang Mỹ, đều có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Đại lục để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại.
Một chuyên gia quốc tế nhận định rằng Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn trong trò chơi Chiến tranh Thương mại, và do đó, sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận yêu cầu của Washington.
Bài học từ Nhật Bản
Cách Nhật Bản ứng phó với các cuộc xung đột thương mại với Mỹ vào những năm 1980 cung cấp các bài học cho Trung Quốc. Nền kinh tế số 2 thế giới cần phải minh bạch hơn để giải quyết các khiếu nại của Mỹ và các đối tác thương mại khác, theo một cựu quan chức Nhật Bản.
Trong một hội thảo ở Bắc Kinh hôm 27.10 để kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc, Yoshiki Takeuchi, Tổng giám đốc Cục quốc tế của Bộ Tài chính Nhật Bản, cũng cho biết Trung Quốc nên tiếp tục tự do hóa thị trường và quản lý rủi ro một cách cẩn thận.
Từng tham dự các cuộc đàm phán giữa Nhật và Mỹ thời kì đó, ông Takeuchi nói rằng: "Trong những năm 1980, chúng tôi gặp khó khăn với Mỹ, như Trung Quốc hiện đang phải đối mặt".
Ông giải thích: "Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ đã mở rộng rất nhiều ... khiến Mỹ chỉ trích rằng nguyên nhân của thặng dư như vậy là tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật, và sự mất giá của đồng Yên Nhật là sản phẩm từ thị trường tài chính khép kín của Nhật Bản”.
Nhật Bản tìm cách giảm bớt một số bất mãn bằng cách thiết lập các nhà máy ở Mỹ và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với chính quyền Mỹ ở cấp địa phương.
Về phần chính phủ Mỹ, họ cũng thừa nhận rằng thâm hụt thương mại với Nhật Bản là vì tỷ lệ tiết kiệm thấp và thâm hụt ngân sách lớn. Sau đó, phía Mỹ cũng đồng ý thực hiện các chính sách tăng tiết kiệm/cắt giảm thâm hụt của chính phủ, khi Nhật Bản đồng ý cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường sang các sản phẩm của Mỹ.
Takeuchi đề nghị Trung Quốc nên thấu hiểu những điều khoản của Mỹ. Ông nhận định rằng “minh bạch "và một" sân chơi bình đẳng "- là hai khái niệm chính mà Mỹ thực sự tin tưởng.
Ông cho biết tranh chấp với Washington sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết, và cũng thêm rằng quá trình tự do hóa của Nhật Bản đã mất nhiều thập kỷ.
Ông chia sẻ rằng: "Tôi hiểu vai trò lớn của chính phủ ở đây ở Trung Quốc, nhưng nếu họ có thể mang lại sự minh bạch hơn, cung cấp một sân chơi bình đẳng hơn, tôi nghĩ rằng điều này có thể xoa dịu Mỹ".
Nguồn Tổng hợp/SCMP