Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng - Thảm họa với châu Á
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh kể từ đầu tháng 5, từ 1,6% lên 2,61% do đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ vào tháng 9 tới.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và chính phủ châu Á thấp khiến nhà đầu tư bán trái phiếu châu Á và đổ tiền vào trái phiếu Mỹ coi đó là tài sản trú ẩn an toàn. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng tiền và thị trường cổ phiếu châu Á.
Nhà đầu tư rút 1,5 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu mới nổi trong tuần kết thúc vào ngày 5/6, trong khi quỹ đầu tư cổ phiếu mất 5 tỷ USD – mức rút ròng mạnh nhất 2 năm, theo số liệu của EPFR. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 11% trong tháng qua. Trong khi đó, các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm, ringgit của Malaysia giảm 4,3% so với USD kể từ đầu tháng 5, baht Thái giảm 6,1%.
Dhiren Sarin, trưởng bộ phận chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương của Barclays cũng đồng quan điểm cho rằng, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 3% sẽ là rủi ro cho thị trường châu Á. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt tới mức lợi suất đó.
Nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên 3% trong tuần tới hoặc 2 tuần nữa, nó sẽ gây nhiều sức ép với thị trường mới nổi. Tốc độ tăng lợi suất càng nhanh, ảnh hưởng tới chi phí cấp vốn sẽ đáng lo ngại hơn và sẽ khiến dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường mới nổi, ông Sarin nói. Ông này cũng cảnh báo, nếu kịch bản này xảy ra, thị trường cổ phiếu mới nổi có thể xuống thấp nhất nhiều năm. Chuyên gia này nói thêm, nếu tốc độ tăng lợi suất chậm hơn, các nhà quản lý tài sản sẽ có thời gian để đánh giá lại và phân bổ lại danh mục đầu tư dễ chấp nhận rủi ro hơn.
Ở thời điểm này, cả Sarin và Tay đều cho rằng lợi suất trái phiếu Mỹ không tăng nhanh nhưng vẫn là một rủi ro. “Tôi cho rằng, Fed sẽ nhận thấy hiệu ứng gây bất ổn thị trường. Nếu lợi suất trái phiếu tăng mạnh, tôi khẳng định Fed sẽ tìm cách xoa dịu thị trường”, ông Tay nói. Mark Matthews, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Bank Julius Baer đồng ý rằng Fed sẽ hành động nếu lợi suất tăng mạnh.
Nguồn CNBC/Dân Việt