Thứ Tư | 27/08/2014 11:01

Lợi suất trái phiếu chính phủ Eurozone xuống âm lần đầu tiên trong lịch sử

Điều này có nghĩa các nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia Eurozone đang trả tiền để các chính phủ giữ hộ tiền cho họ.
Chi phí đi vay ở khắp các quốc gia châu Âu tiếp tục giảm trong tuần này, trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra một chương trình nới lỏng định lượng (QE) như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn trong khu vực đồng euro.

Lần đầu tiên, lợi suất trái phiếu chính phủ tại Eurozone xuống mức âm. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư mua trái phiếu đang trả tiền để các chính phủ giữ hộ tiền cho họ.

Trong tuần này, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm của Phần Lan, Hà Lan, Bỉ và Áo đều xuống dưới 0% lần đầu tiên trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm và 3 năm cũng đã đều xuống mức âm.

Trái phiếu chính phủ Phần Lan giảm xuống -0,010% vào hôm qua 26/8, trong khi trái phiếu chính phủ Áo xuống thấp -0,002%. Lợi suất trái phiếu chính phủ của Hà Lan và Bỉ đều đã xuống mức âm vào hôm thứ 2 (25/8), xuống -0,006% trong ngày thứ 3 và hiện trái phiếu chính phủ Bỉ đang quay lại mức dương nhưng vẫn xấp xỉ 0%.

Hiện tượng lợi suất trái phiếu chính phủ tại Eurozone giảm xuống âm đã xuất hiện sau một bài phát biểu của Chủ tịch ECB - ông Mario Draghi trong hội nghị chuyên đề thường niên của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mang tên Jackson Hole (Wyoming) vào thứ 6 tuần trước.

gafin
Cụ thể, ông Draghi cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh tế tại khu vực đồng tiền chung, đồng thời hạn chế nguy cơ giảm phát đang ngày càng hiện hữu ở 18 nền kinh tế thành viên. Nhận định của Chủ tịch ECB đã thúc đẩy những kỳ vọng về việc thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, có thể sớm diễn ra vào cuộc họp tháng 9 của ECB. Qua đó, tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán và trái phiếu châu Âu.

Trong một lưu ý gửi khách hàng, hai chuyên gia phân tích Bill Diviney và Kieran Davies của Barclays nhận định: "Thị trường dường như đang được định giá dựa trên khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa của ECB".

Trên thực tế, lợi suất trái phiếu chính phủ Eurozone đã giảm mạnh trong thời gian trước đây cũng sau một phát biểu của ông Draghi khi khẳng định rằng ECB sẽ làm "bất cứ điều gì" để cứu đồng tiền chung euro tránh khỏi sự sụp đổ hồi năm 2012. Vào tháng 6 vừa qua, chi phí đi vay của chính phủ các nước từng lâm vào vòng xoáy nợ công thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn sau khi ông Draghi công bố gói các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng tại Eurozone, bao gồm cả biện pháp hạ lãi suất tiền xuống dưới 0% lần đầu tiên trong lịch sử.

Tại hội nghị Jackson Hole, ông Draghi nhận định rủi ro giảm phát tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Eurozone, đồng thời cho biết ECB sẽ sử dụng "tất cả các công cụ sẵn có" trong trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.

Ngày 26/8, chuyên gia phân tích tại Capital Economics nhận định: "Các bình luận của ​​Draghi tại Jackson Hole cũng ủng hộ quan điểm của chúng tôi về khả năng thực hiện nới lỏng định lượng toàn diện của ECB". Bên cạnh đó, "một thời kỳ giữ lãi suất gần 0% tại Eurozone có thể giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Đức thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Tỷ lệ lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 7 đã giảm mạnh hơn dự báo, xuống 0,4% - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009.

Gần đây, hãng tin Reuters và tờ báo của Hy Lạp Ekathimerini đã đăng tải thông tin cho biết, Hy Lạp đang lên kế hoạch tận dụng lợi thế từ chi phí vay mượn rẻ hơn, bằng cách trao đổi 1,5 tỷ euro (1,98 tỷ USD) các trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3-5 năm trong những tuần tới đây.

Nguồn Theo DVO/CNBC


Sự kiện