Ảnh: CNBC

 
Hà Linh Thứ Sáu | 06/09/2019 11:04

Lợi nhuận suy giảm, các công ty châu Á dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Lợi nhuận ngày càng suy giảm khiến các công ty ở châu Á đang dịch chuyển sản xuất về nước hoặc sang các khu vực khác thay vì Trung Quốc.

Lợi nhuận ngày càng suy giảm do tác động của thuế quan khiến nhiều công ty ở châu Á đang dịch chuyển nhà máy sản xuất của họ ở Trung Quốc về nước hoặc sang các nước khác

Theo kết quả phân tích 56 công ty của Nomura, xu hướng dịch chuyển sản xuất sang nước khác hoặc trở về nước đang phổ biến nhất trong lĩnh vực máy móc và thiết bị điện tử của Nhật Bản và Đài Loan. Theo đó, những công ty này đang dịch chuyển sản xuất về nước nhằm né thuế quan của Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra trong suốt hơn 1 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây nhất, ngày 01/09, Mỹ và Trung Quốc đã áp vòng thuế quan mới lên hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của nhau.

Báo cáo của Nomura cho biết, Đài Loan đã trở thành nước được hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng dịch chuyển sản xuất do các công ty chuyển dịch sản xuất về nước.

Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, có khoảng 40 công ty của nước này đang tìm cách chuyển các nhà máy của họ trở về quê nhà. Đài Bắc đã và đang thúc đẩy sáng kiến ​​ “Invest Taiwan” (Đầu tư vào Đài Loan) nhằm mục đích thu hút các công ty trở về nước. Theo chương trình này, các công ty có thể đăng ký vay với  lãi suất thấp để trang trải chi phí di dời.

Ví dụ, nhà sản xuất bảng mạch Flexium và hãng máy tính Quanta của Đài Loan đang chuyển nhà máy về nước. Trong khi SK Hynix, nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới, cũng đang tìm cách chuyển sản xuất một số mô-đun chip trở lại Hàn Quốc.

Đối với các công ty Nhật Bản, Mitsubishi Electric đang chuyển sản xuất các công cụ, máy móc – những mặt hàng sẽ xuất khẩu đi Mỹ từ cơ sở sản xuất tại Đại Liên, Trung Quốc sang Nagoya tại Nhật Bản. Nhà sản xuất máy Toshiba và Komatsu cũng đang lên kế hoạch cho các động thái tương tự.

Trong một báo cáo được phát hành ngày 05/9, các chuyên gia kinh tế của Nomura, Sonal Varma và Michael Loo cho biết, “Những xu hướng này phù hợp với sự đa dạng hóa xuất khẩu gần đây ở châu Á do chuyển hướng thương mại “.

Theo các nhà kinh tế của Nomura, trước đó, một số công ty như Dell đã lo ngại về chi phí lao động tại Trung Quốc tăng lên. Do đó, họ đã tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại để đẩy nhanh việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nomura cũng cho biết, các công ty Mỹ và Đài Loan chiếm hơn 50% tổng số các công ty đang có kế hoạch dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Loi nhuan suy giam, cac cong ty chau A dich chuyen san xuat khoi Trung Quoc
Hàng loạt các công ty đang di chuyển sản xuất về nước nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại. Ảnh: Reuters

Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong một bình luận trên Twitter ngày 23/8, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ “ngay lập tức xem xét phương án thay thế Trung Quốc” và kêu gọi các công ty này sản xuất hàng hóa tại Mỹ, thay vì Trung Quốc.

Báo cáo của Nomura cho thấy, điện tử, may mặc, giày dép và túi xách, và thiết bị điện là 3 lĩnh vực có sự dịch chuyển sản xuất lớn nhất. Đây không chỉ là sự chuyển hướng thương mại trong ngắn hạn; sự dịch chuyển sản xuất trung hạn cũng đã bắt đầu.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế của Nomura thuế quan không phải là lý do duy nhất khiến các công ty dịch chuyển sản xuất mà rủi ro an ninh mạng cũng là một trong những nguyên nhân.

Các nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cuộc chiến thuế quan chủ yếu ở khu vực châu Á. Trong đó, Đài Loan và Thái Lan đang dẫn đầu. Bên ngoài châu Á, Mexico là một điển hình. Các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất sang thị trường này chủ yếu  là trong lĩnh vực điện tử và thiết bị điện.

Tuy nhiên, với quy mô thị trường nội địa lớn của Trung Quốc và năng lực hạn chế ở những nơi khác, vẫn có nhiều lý do để các công ty giữ lại phần lớn hoạt động sản xuất tại nền kinh tế số 2 thế giới.

►Làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc?

►Nhiều công ty Mỹ đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc

►HP, Dell và Microsoft cũng muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc